Nhìn những lớp váng dầu đen kịt, lềnh bềnh ở đầu nguồn nhà máy nước Sông Đà mà rùng mình. Váng dầu ở con suối này chảy thẳng vào hồ chứa của nhà máy nước cách đó chỉ vài cây số. Trong cuộc họp báo mới đây, ngành chức năng và chủ doanh nghiệp mới chính thức đưa ra khuyến cáo sau nhiều ngày người dân Hà Nội phải dùng thứ nước bốc mùi nồng nặc mà không biết nguyên nhân từ đâu. Đại diện nhà máy nước chỉ báo cáo “sơ bộ” mà không đưa ra khuyến cáo khẩn cấp nào với người tiêu dùng, dù đã phát hiện vết dầu loang từ sớm. Thậm chí họ còn châm thêm hóa chất vào nguồn nước cấp cho người dân và tuyên bố nước vẫn đạt tiêu chuẩn...
Thật không thể hiểu nổi! Người ta vẫn chưa “nhận thức sâu sắc” về nhiệm vụ của mình hay cố tình đùa giỡn với sức khỏe của người dân? Mà chắc không ai dám đùa giỡn kiểu như vậy, bởi có thể họ chưa thấy hết trách nhiệm thì cũng lường trước được hậu quả của các sự cố liên quan đến nguồn nước, mà Sông Đà thì không lạ gì với các sự cố. Hơn nữa, đâu chỉ mỗi Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà như chính đại diện công ty này giải thích, mà có rất nhiều công ty bán lẻ, những đơn vị này thật sự muốn đùa giỡn với khách hàng của mình hay sao? Họ thu tiền sử dụng nước từng hộ dân thì phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, hay nói cách khác là phải có cách ứng xử hợp lý chứ? Nếu ý thức được điều đó sao gần một tuần xảy ra sự cố, họ vẫn im re với khách hàng của mình như vậy?
Tôi cho rằng có một chút “vô tư” cố hữu nào đó nên sự việc mới diễn tiến như vậy. Vô tư theo kiểu đã kinh doanh buôn bán thì phải nghĩ đến cái lợi của mình trước tiên, rồi sau đó mới tính tới khách hàng, đến môi trường, thậm chí nếu được thì... “sống chết mặc bay”. Mà cái lợi ở đây là cho tập thể, cho công ty mình thì trách nhiệm cũng sẽ tập thể thôi. Trong khi pháp luật thì ở nhiều trường hợp vẫn rất du di, răn đe là chính. Chẳng thế mà thỉnh thoảng lại có một vụ doanh nghiệp lén lút xả thải ra môi trường trong lúc trời mưa, thậm chí xả chất độc nơi đầu nguồn. Còn một sự vô tư nữa, đó là kiểu hành xử với con người đã trở nên nhạt nhẽo, thực dụng, nhất là con người đã được cụ thể ở số đông như người dân, lại là phía đối lập lợi ích theo kiểu kinh doanh ăn xổi ở thì, nhưng vẫn đang là “nền tảng văn hóa” của rất nhiều chủ doanh nghiệp.
Trong khi cách hành xử với con người ở tư cách cá nhân, đang được xã hội nêu những gương điển hình như một kiểu “bù đắp” cho tình trạng xuống cấp đạo đức, thì văn hóa, đạo đức doanh nghiệp đang được khuyến cáo là điều cần có để phát triển bền vững. Cách đây chưa lâu, vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông cũng “phơi bày” thái độ dửng dưng của chủ doanh nghiệp về sức khỏe của cộng đồng khi không hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phòng chống chất thủy ngân phát tán trong môi trường. Lối hành xử “vô tư” với con người như vậy đã làm dư luận sửng sốt về đạo đức, văn hóa doanh nghiệp. Liệu có mối liên quan nào về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội với văn hóa doanh nghiệp đang còn ở mức hạn chế, bởi văn hóa hay đạo đức doanh nghiệp cũng bắt đầu từ mỗi cá nhân trong xã hội?