Hạt lúa dãi dầu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/01/2019 01:08

Những ngày đầu năm mới, trời trở chướng với cơn bão rớt ở miền Nam, rét đậm rét hại ở miền Bắc, mưa dai dằng dặc suốt dải miền Trung. Chuyện làm ăn, sinh hoạt nhiều vùng bị ảnh hưởng, nhưng đâu cũng hiện lên nỗi lo toan của người nghèo, của nông dân dãi dầu như hạt lúa.

Thân phận hạt lúa lấm lem thật. Như vùng Nam Trung Bộ, có chỗ ba lần gieo sạ rồi bị nước ngâm thối. Hàng chục ngàn héc ta lúa và hoa màu từ xứ Quảng đến Bình Định, Phú Yên bị ngập, hạt mầm hư hại phải gieo sạ lại.

Trong cái âm u của thời tiết cực đoan ấy, nghe thông tin về xuất khẩu gạo phần nào cũng thấy ấm lòng một chút với nông dân. Sau 6 năm sụt giảm liên tục, hạt gạo Việt Nam đã lấy lại đà và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngoạn mục, đạt hơn 3 tỷ USD. Đầu năm mới lại phấn khởi khi Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu gạo qua Phi Luật Tân, với 118 ngàn tấn. Điều đặc biệt là không chỉ tăng về lượng mà về chất đã có sự chuyển biến rõ rệt với thương hiệu gạo Việt, giá trị gia tăng lớn hơn. Nhờ đó bình quân giá xuất khẩu gạo liên tục tăng, từ 452,6 USD/tấn năm 2017 đã tăng lên 503,3 USD/tấn vào năm qua. Đáng mừng hơn, cho đến nay gạo Việt đã hiện diện trên thị trường của gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt bước đầu thâm nhập các thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU…

Nhờ đâu gạo Việt tìm được đường ra thế giới rộng lớn? Đầu tiên là nhờ các biện pháp kỹ thuật canh tác, sản xuất theo hướng sạch hơn và an toàn. Thứ đến là gia tăng đầu tư công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Đến nay, tại vựa lúa lớn nhất nước là đồng bằng sông Cửu Long, các khâu sản xuất và thu hoạch hầu hết được cơ giới hóa, tỷ lệ lúa được sấy tăng từ 40% lên 90% trong vòng 8 năm qua. Về cơ cấu giống lúa và xuất khẩu gạo đã giảm loại lúa gạo phẩm cấp thấp và trung bình, tăng mạnh gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo hữu cơ đặc sản, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm cùng với đa dạng hóa thị trường.

Tuy đã có bứt phá xuất khẩu nhưng hạt gạo Việt Nam cùng các mặt hàng nông sản đang đứng trước thử thách vô cùng lớn khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Sẽ còn nhiều gian khó khi  hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP, với thuế suất phổ biến 5 - 10% hiện nay sẽ hạ xuống 0%. Trong các bản tin đầu năm 2019, các chuyên gia phân tích thị trường liên tục cảnh báo cho doanh nghiệp và nông dân trong nước về điều này, và động thái của nhiều nước là chuẩn bị đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trên thị trường 500 triệu dân của 11 thành viên CPTPP. Vì vậy, nếu Việt Nam thỏa mãn với kỷ lục đạt hơn 40 tỷ USD xuất khẩu nông sản, thì dễ chủ quan trước áp lực cạnh tranh ngày một gia tăng. Do đó, rất mừng khi Chính phủ và ngành liên quan đã ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông sản theo hướng áp dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sạch hơn, cùng với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản, xúc tiến mở rộng thị trường. Với hạt gạo, Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109, có hiệu lực mới đây, sẽ nới lỏng quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến, đơn giản hóa thủ tục, cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần xuất khẩu qua ủy thác… Đặc biệt ưu tiên cho mặt hàng phẩm cấp cao đem lại giá trị gia tăng, và gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất di dưỡng không cần giấy chứng nhận và dự trữ lưu thông.

Hy vọng, cánh cửa xuất khẩu gạo cũng như các mặt hàng nông sản khác sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ có thêm các cơ chế chính sách thúc đẩy kịp thời. Từ đó làm vơi đi những lo toan lam lũ dãi dầu của nông dân đất Việt.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạt lúa dãi dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO