“Chiều chiều ông Lữ đi câu. Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng…” (Ca dao). Ông Lữ là Lữ (Lã) Vọng, tức Khương Thượng hay Khương Tử Nha, một danh sĩ thời nhà Chu bên Tàu. Thuở còn hàn vi vị ngộ, ông thường ngồi câu bên bờ sông Vị thủy. Truyền thuyết kể rằng ông câu cả ngày cũng chẳng được con cá nào bởi vì cái lưỡi câu của ông… thẳng đuột và chẳng có mồi câu. Ông chỉ ngồi lẩm nhẩm trò chuyện với… lũ cá đang bơi lội tung tăng dưới nước còn đầu óc thì nghĩ những chuyện đâu đâu. Nếu chỉ có vậy thì ông già này quả là “hết chuyện làm”! Nhưng ngược lại, cũng từ đó mà ông được Chu Văn Vương để mắt đến rồi trở thành khai quốc công thần của một triều đại trị vì suốt 800 năm trên đất nước Trung Hoa.
Thông tư 33/2012 của Bộ NN&PTNT từng gây tranh cãi vì buộc thịt heo, bò mổ ra chỉ được bán trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
“Rỗi hơi” kiểu Lã Vọng có lẽ chỉ là một cách thêu dệt của dân gian vào hình tượng nhân vật lịch sử cho thêm phần ly kỳ, hơi đâu mà tin. Còn cái sự “hết chuyện làm” mà đài nói báo đăng đang diễn ra ở xứ mình mới thật là những việc đáng cho chúng ta suy gẫm.
Mới đây, có 5 bài hát được sáng tác trước năm 1975 đang lưu hành ngon lành tự dưng bị Cục nghệ thuật biểu diễn ra lệnh cấm theo quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22.3.2017. Trong khi công chúng và giới ca nhạc chưa hết ngơ ngác thì đến ngày 14.4.2017, cũng chính cơ quan này lại ra quyết định thu hồi… quyết định cấm, với lý do là không đủ cơ sở để… cấm. Gần như đồng thời với khoảng thời gian trên, truyền thông cho hay ở xã Cẩm Yên thuộc huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội có khoảng 100 cây xanh mới được trồng bên cạnh hoặc đúng vào hố các gốc cây vừa bị triệt hạ trước đó, có điều các cây mới này chỉ xứng là hàng “con cháu” của những cây đã bị đưa đi... xẻ thịt. Chính quyền xã Cẩm Yên bị huyện và thành phố kiểm điểm rút kinh nghiệm, còn kinh phí trồng lại thì lấy từ ngân sách xã và nguồn xã hội hóa. Cũng liên quan tới chuyện cây cối, còn nhớ cách đây 2 năm, Sở Xây dựng Hà Nội đã “xây dựng” một đề án hẳn hoi nhằm chặt bỏ và trồng thay thế 6.700 cây thuộc hàng đại thụ trong thành phố. Nhờ có sự “la ó” của dư luận và báo chí, đề án này đã bị chủ tịch thành phố ra lệnh đình chỉ sau 10 ngày ra quân. Ngoài khoảng 500 cây “xấu số” bị đốn hạ còn phần lớn các “cụ mộc” đã thoát khỏi lưỡi cưa “tử thần”. Cũng tương tự như vậy, năm 2015 UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm dừng dự án lấn sông Đồng Nai đã được phê duyệt và thi công trước đó một năm; năm 2017 UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định tạm dừng dự án phá rừng nuôi bò sữa; hay mới đây đại dự án thép Cà Ná của Ninh Thuận cũng bị Chính phủ buộc phải tạm dừng để điều tra, tính toán lại… Những cuộc “tạm dừng” này khiến người dân thở phào: May!
Ở tầm cao hơn, trong mấy năm qua, có những văn bản pháp quy được ban hành nhưng rồi phải ra văn bản khác bãi bỏ hoặc tự nó không có hiệu lực. Năm 2014 có nghị định 56 về việc thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy được giao cho cấp xã, phường thực hiện, nhưng đến năm 2016 lại… xí xóa. Những người sốt sắng bị mất tiền oan cho đến nay vẫn chưa được hoàn trả. Năm 2011, trong Thông tư 08/TT-BGTVT có điều khoản buộc tài xế xe ôm khi hành nghề phải đeo phù hiệu. Việc thi hành văn bản này đến lực lượng cảnh sát giao thông cũng phải… “thả tay” vì xe chạy trên đường, biết ai đang lái xe ôm hay xe nhà? Những văn bản bất khả thi như thế, đặc biệt là các văn bản dưới luật, năm nào cũng thấy xuất hiện vài ba cái, gây nên nhiều làn sóng tranh cãi trong dư luận. Thậm chí vào năm 2012, riêng trong một tháng đã có đến 3 văn bản phải bị hủy bỏ, trong đó có nghị định về xử phạt người gọi điện thoại trước trạm xăng, thông tư về mẫu CMND phải có tên cha mẹ, và đặc biệt là Thông tư 33/2012 của Bộ NN&PTNT mà dân thường gọi tắt là thông tư “thịt 8 tiếng”, buộc rằng thịt heo bò mổ ra chỉ được bán trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Với văn bản này, các lực lượng chức năng cũng… ngơ ngác không biết lấy cái máy gì mà đo đạc để biết một miếng thịt bán ngoài chợ được mổ trước đó mấy giờ. Vậy làm sao mà xử phạt? Nhiều luật sư cho rằng những chuyên gia làm luật như thế có lẽ là theo lối… “ngẫu hứng”, họ chỉ biết nhiệm vụ của họ là ngồi soạn thảo văn bản, nếu văn bản không thực thi được thì… bỏ hoặc cho nó… “tự phân hủy”, sau này tính tiếp. Còn theo cách nói bình dân thì hình như các vị ngồi trên ấy… hết chuyện làm.
Nước ta đã có luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (luật sửa đổi năm 2015), tức là luật của các luật, trong đó có quy định rất chi tiết từ khâu dự thảo đến lúc ban hành các văn bản pháp quy. Trong quá trình đó có một khâu rất quan trọng là lấy ý kiến nhân dân, ít ra là có sự phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ trong lĩnh vực mà văn bản pháp luật đề cập. Vậy thì tại sao nhiều nghị định, thông tư, quyết định… lại được ban hành một cách vội vã khi chưa tổng hợp được ý kiến của công luận? Chẳng hạn nếu thăm dò ý kiến lực lượng cảnh sát giao thông trước khi ban hành nghị định về xử phạt người đi bộ, thì văn bản này đâu đến nỗi trở thành một câu đố quá khó cho lực lượng chức năng.
Tổng cục thống kê vừa có một báo cáo chỉ ra rằng người Việt có năng suất lao động rất thấp so với các nước trong khu vực, không rõ trong đó đã tính tới hiệu quả làm việc trong lĩnh vực soạn thảo văn bản này chưa? Thực ra hệ thống luật pháp của chúng ta còn quá nhiều việc chứ đâu đã “hết chuyện làm”, nhất là trong những vấn đề “nóng” của xã hội như đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, bảo vệ rừng…
PHAN VĂN MINH