Hết lòng phục vụ thương binh (Tiếp theo và hết)

HỒ DUY LỆ 27/02/2018 08:56

Có một số ca cấp cứu, Trần Việt Sỹ không bao giờ quên, đó là Nguyễn Túc (Tám Túc) trúng đạn gãy nửa xương đùi chân phải nhưng may không đứt các mạch máu lớn. Lúc đó trong tay Trần Việt Sỹ không có gì cả, phải dùng lưỡi dao lam để cạo, cắt, dùng nẹp tre buộc Tám Túc vào sạp, xử lý vết thương, cố định chân gãy. Một trường hợp nữa không thể nào quên là Nguyễn Văn Binh bị mìn cắt đứt hai chân. Nay Binh còn sống, có vợ, có con, vẫn nhớ mãi và vô cùng biết ơn những người đã dũng cảm đưa Binh ra khỏi vùng tranh chấp với địch, tận tình cứu chữa cho Binh được sống. Hay Nguyễn Kim bị thương ở vùng vành đai diệt Mỹ giáp ranh giữa xã Kỳ Liên và Bình Sơn, Quảng Ngãi, trong vòng vây của Mỹ, sau 15 ngày, anh em phải vượt núi Hòn Rơm mới đến nơi thì vết thương đã hôi thối, dòi đục, mủ xanh lè, bị hoại thư… Còn nước còn tát, chưa bó tay thì chưa tháo khớp, Trần Việt Sỹ cùng anh em lấy dao lam, kéo cắt sạch phần thịt bị hoại tử, rửa nước muối liên tục trong mười ngày thì vết thương hết hôi, khô dần, lành. Sau giải phóng, Nguyễn Kim làm Viện trưởng Viện Kiểm sát thị xã Tam Kỳ. Đó là trường hợp Nguyễn Kim Phương bị thương ở cổ trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 điều trị ở trạm xá. Khi bị chiêu hồi chỉ điểm, địch đổ quân chụp ngay sau lưng trạm xá, anh em phải bưng bê cả dụng cụ thuốc men chạy, đồng chí Nguyễn Hoàng phải cõng Nguyễn Kim Phương chạy ngược ra xóm dân ở thôn Hai xã Kỳ Thạnh để tránh địch. Chiều địch rút đi, anh em về thì trạm xá bị đốt sạch, có mấy con heo, con gà nuôi cải thiện địch cũng quơ hết trơn. Sau trận đó một thời gian, đồng chí Nguyễn Hoàng hy sinh tại Kỳ Chánh. Đồng chí Nguyễn Kim Phương sau này từng làm Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Núi Thành…

Tin liên quan

  • Hết lòng phục vụ thương binh
Nguyễn Văn Binh, người từng bị mìn cắt đứt hai chân được đồng đội cõng lên trạm xá tận tình cứu chữa.  (Ảnh tư liệu chụp tháng 11.2015)
Nguyễn Văn Binh, người từng bị mìn cắt đứt hai chân được đồng đội cõng lên trạm xá tận tình cứu chữa. (Ảnh tư liệu chụp tháng 11.2015)

Thời kỳ Ngô Nghiên làm Bí thư Nam Tam Kỳ, khi Đội công tác của Huyện ủy đóng ở nóc Ông Bổn, trong Hóc Biểu xã Kỳ Sanh, một hôm Ngô Nghiên cho một giao liên người dân tộc tên là Danh đến báo khẩn cấp ở đội sản xuất có một ca sốt ác tính, bảo Trần Việt Sỹ vào cấp cứu. Từ cơ quan Huyện ủy, Trần Việt Sỹ phải cải trang thành nông dân Tứ Mỹ để che mắt bọn địch trên đồn, vác cuốc đi qua một cánh đồng trống, lội qua sông Quán. Trước khi Trần Việt Sỹ vượt qua thêm một cánh đồng để đến được bìa rừng vào nóc Ông Bổn thì bọn tề trong nhà địa chủ Thiều phát hiện, chúng la to: “Bắt hai thằng cộng sản con”. Trần Việt Sỹ và Dũng giao liên cắm cổ chạy qua cánh đồng, vào rừng thoát được. Nhờ đó, anh Phụng Huyện ủy viên bị sốt ác tính kịp thời được cấp cứu, vượt qua thần chết.

Khi Huyện ủy có chủ trương, giao cho Trần Việt Sỹ thành lập trạm xá. Huyện nhờ một cụ lão tên Hai ở nóc Ông Quang tìm chọn địa điểm trong một cái rẫy của đồng bào ở xã Zút dưới chân núi Chúa xây nhà trạm xá. Trong rẫy có nhiều sắn, rau lang, ớt và rất nhiều cây đu đủ sai trái. Đây là nguồn rau xanh quý và dồi dào bà con dân tộc sẵn sàng cho phục vụ cả chục thương bệnh binh của trạm xá lúc ban đầu. Lương thực thì huyện huy động của đồng bào hai xã Cót và xã Zút. Thuốc men, dụng cụ thì xin dần từ chiến lợi phẩm của đội vũ trang và từ cơ sở gửi lên.

Khi giải phóng thôn Tứ Mỹ, trạm xá dời xuống vùng giáp ranh núi và đồng bằng Tứ Mỹ để kịp thời phục vụ bà con, lúc này có thêm y tá Nguyễn Tịnh, một cơ sở từ vùng địch thoát ly lên. Còn có Út Bích thoát ly lên làm nhân viên chính của Trạm xá Huyện ủy. Khi ta giải phóng thêm các thôn Xuân Bình, Phú Thọ thuộc xã Kỳ Yên, rồi giải phóng tiếp các thôn 7, 8 xã Kỳ Sanh, địch phản ứng quyết liệt, thương vong nhiều, dân đau ốm cũng nhiều, tỉnh tăng cường một trung đội vũ trang cho huyện, trong đó có hai y sĩ từ miền Bắc vào là Đinh Văn Chất (Việt Thọ) và Phạm Ngọc Chương, có thêm một trạm xá phục vụ bộ đội và giúp khá nhiều cho Trạm y tế của Huyện ủy, trong đó có việc tham gia đào tạo 3 thanh niên của thôn Tám xã Kỳ Sanh là Nguyễn Tài, Châu Thị Kim Minh, Nguyễn Thị Liên trở thành những y tá đầu tiên của huyện được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, phục vụ cho huyện và xã Kỳ Sanh giải phóng. Sau đó, được lãnh đạo Huyện ủy Nam Tam Kỳ khuyến khích và cho phép, Trần Việt Sỹ và Trạm y tế huyện mở một lớp y tá ở Cà Lơ - Kỳ Sanh, rút lên cho lớp học được hơn 70 học viên, từ các xã Kỳ Sanh, Kỳ Long, Kỳ Thạnh, Kỳ Yên, Kỳ Trà, và từ đội vũ trang, như các anh chị: Hồng, Phán, Lân, Phát, Nghiêm, Thu… Ngoài việc phải giữ tuyệt đối bí mật, sẵn sàng chiến đấu khi bị tấn công, học viên của lớp phải lo nguồn lương thực. Cứ học một đợt từ 15 đến 20 ngày, học viên được cho nghỉ hai ba ngày về địa phương mang gạo và mắm muối lên. Riêng học viên là con em xã Kỳ Sanh còn có nhiệm vụ về nhà mình hoặc bà con hàng xóm mượn các dụng cụ cấp dưỡng như nồi soong lên cho trạm… Lớp học này do Lê Quang Hồng, thoát ly năm 1961, làm lớp trưởng, sau này Lê Quang Hồng từng làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ, sau khi tái lập tỉnh.

HỒ DUY LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hết lòng phục vụ thương binh (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO