Dẫu cuộc sống còn bộn bề gian khó, nhưng cảm thương trẻ nhỏ trong làng phải lặn lội đường núi xa xôi, cách trở để kiếm con chữ, gia đình bà Nguyễn Thị Thạnh (thôn 4, xã Trà Mai, Nam Trà My) đã tự nguyện hiến mảnh đất sát quốc lộ 40B với diện tích gần 2.000m2 để xây trường học.
Bà Nguyễn Thị Thạnh nguyên là Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Dơn, tham gia công tác hội từ khi chia tách huyện, đến năm 2006 thì nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, khu vực Nước Xa thuộc thôn 4, xã Trà Mai vốn là khu di dân tự do từ lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 trước đây nên hạ tầng dân sinh chưa được đầu tư. Vì chưa có trường học nên hơn 50 trẻ em trong độ tuổi đến trường ở Nước Xa phải qua xã Trà Dơn học tập rất xa xôi. Khi chương trình nông thôn mới bố trí vốn để đầu tư xây dựng điểm trường tiểu học thì mặt bằng lại gặp khó khăn do địa hình đồi cao, dốc đứng. Hơn nữa, đất dự phòng cũng không còn nhiều vì người dân đã làm nhà và canh tác hoa màu.
Bà Thạnh chia sẻ: “Tuyến đường mà các cháu trong thôn vẫn ngày ngày đến lớp theo học cái chữ không đảm bảo. Nhìn các cháu mồ hôi nhem nhuốc, lấm lem bùn đất, cuốc bộ hàng giờ để đến lớp thương và xót lắm, nên vợ chồng tôi đã bàn bạc với các con, mình phải hiến đất cho thôn để xây trường. Trường được xây, bà con sẽ không còn lo sợ cho con em mình về an toàn giao thông, mưa gió, lụt bão... Được sự động viên, ủng hộ của gia đình, làng xóm, chính quyền địa phương, con cháu mình có được nơi ăn chốn ở học hành đảm bảo, tôi rất vui”.
Hiện tại, ngôi trường tiểu học ở Nước Xa có 3 phòng học, khu vệ sinh và nhà công vụ, nhà trường đã bắt đầu giảng dạy kể từ đầu năm học 2018 - 2019. Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết, thời gian qua địa phương đã quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng để có những công trình khang trang phục vụ cho người dân và được bà con đồng tình, hưởng ứng tích cực.
“Ngoài bà Nguyễn Thị Thạnh, nhiều cá nhân như thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, ông Hồ Minh Đức, ông Nguyễn Bá Dương... hay như bà con làng Tắc Lan (thôn 1, Trà Mai); bà con làng Long Túc (thôn 5, Trà Nam)... đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất đai, hoa màu để chính quyền xây dựng trường học. Qua đó, đã tiếp sức cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà thêm nhiều chuyển biến và ngày càng khởi sắc” - ông Thuận nói.
Câu chuyện hiến đất xây trường của bà Thạnh nói riêng, nhiều cá nhân khác ở Nam Trà My nói chung đều xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng muốn đổi thay mảnh đất còn nhiều gian khó này. Họ cho đi mảnh đất nuôi dưỡng nguồn sống gia đình nhưng đổi lại là tương lai của thế hệ trẻ sẽ có được con chữ. Hy vọng rồi đây những đứa trẻ được học hành tử tế ấy sẽ dựng xây quê hương giàu đẹp hơn, khang trang hơn.