Hiệu lực của làn sóng cải cách

NHẬT PHONG 10/12/2018 03:11

Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là chủ trương quan trọng của Chính phủ với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu.

Theo nhận định của nhiều cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đã thực sự bắt đầu từ năm 2018. Những đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh của năm 2018 là một trong những trọng tâm điều hành kinh tế của Chính phủ. Muốn hay không, sự quyết liệt của Chính phủ đã buộc các bộ, ngành trung ương vào thế không thể không làm việc. Làn sóng cải cách này đã lan rộng. Không thể phủ nhận những thành công bước đầu về rà soát điều kiện kinh doanh. Sự vận động hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi công khai, minh bạch và chịu sự giảm sát của doanh nghiệp… đã trở thành một trong những điểm sáng về cải cách. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cần các bộ, ngành trung ương thay đổi tư duy quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để thực sự những cải cách của Chính phủ chuyển từ quản lý sang phục vụ, luôn đồng hành, hướng dẫn và giám sát việc doanh nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành. Khi đó, sẽ có ít giấy tờ, ít phép tắc và môi trường kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều này mới thực sự bảo đảm ý nghĩa của một Chính phủ kiến tạo để mọi doanh nghiệp đều có cơ hội, “không sớm nắng, chiều mưa trong chính sách”.

UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. Bảo đảm các quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trực thuộc. Cần công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền. Tổ chức khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp sở, ngành, huyện theo mô hình dân chấm điểm. Công khai kết quả và yêu cầu các sở, ngành, huyện có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức. Giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Không khó để lý giải rằng việc chính quyền Quảng Nam đã ban hành nhiều kế hoạch hành động để thực thi các quyết định từ trung ương, áp dụng vào thực tế địa phương để “giành lấy” niềm tin từ doanh nghiệp để xác lập môi trường đầu tư tốt.

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu lực của làn sóng cải cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO