Thành lập từ ngày tái lập tỉnh Quảng Nam (1997), qua 20 năm xây dựng với 3 lần sáp nhập, giải thể và đổi tên, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trực thuộc Sở Y tế đã có nhiều cách làm phù hợp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.
Ngày hội truyền thông dân số ở khu vực bãi ngang ven biển. Ảnh: P.Đ.N |
Địa hình Quảng Nam mang tính chất đặc thù với 3 vùng đồng bằng, trung du và miền núi; mật độ dân số cao và phân bố không đều; có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, tập quán sinh đẻ còn lạc hậu, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn khá nặng nề; tỷ lệ sinh và sinh 3 trở lên rất cao… là những khó khăn không nhỏ cho công tác dân số của tỉnh. Trước trực trạng đó, từ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng chỉ đạo của chuyên ngành cấp trên, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể phù hợp ở từng giai đoạn trong công tác dân số.
Giải pháp ưu tiên hàng đầu được Chi cục DS-KHHGĐ chú trọng thực hiện là nâng cao chất lượng nhân lực. Qua đó, tạo điều kiện, động viên cán bộ, công chức, viên chức tự học, tự rèn luyện; đồng thời cử cán bộ đi đào tạo chuyên ngành để có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ dân số tuyến tỉnh hiện nay hầu hết đã qua trình độ đại học và sau đại học (1 tiến sĩ; 1 bác sĩ chuyên khoa II; 1 bác sĩ chuyên khoa I và 2 sau đại học khác). Đội ngũ cán bộ ở tuyến huyện và cơ sở đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ triển khai phù hợp các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân số; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh...
Ngoài Chi cục DS-KHHGĐ, Quảng Nam hiện có 18 Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện với tổng số 110 cán bộ, công chức, viên chức (vào biên chế 104 người) và 244 cán bộ dân số xã, phường, thị trấn (vào biên chế 192 người); ngoài ra còn có 3.699 cộng tác viên dân số ở thôn, khối phố. |
Một giải pháp quan trọng khác, Chi cục DS-KHHGĐ đã tích cực triển khai chương trình truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi đồng bộ ở tất cả các kênh. Nhiều mô hình truyền thông được xây dựng, phát triển duy trì đến nay như “thôn, khối phố không sinh con thứ 3 trở lên”, “dân số và phát triển”, “câu lạc bộ tiền hôn nhân”... Trong công tác truyền thông dân số, chi cục chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với người ở tuổi vị thành niên, thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình sinh con một bề... Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục nên nhận thức của toàn xã hội về dân số - sức khỏe sinh sản - KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tổ chức hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ còn chủ động mở rộng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, đa dạng hóa các loại phương tiện tránh thai, phương tiện chẩn đoán như máy siêu âm, xét nghiệm... đến tận cơ sở, đảm bảo thuận tiện, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Bên cạnh đó, các đề án được triển khai những năm gần đây như Đề án sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Từ việc xác định hướng đi đúng, có những giải pháp cụ thể, trong 20 năm qua, công tác dân số của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ suất sinh thô từ 24,24‰ (năm 1997) giảm xuống còn 13,39‰ (năm 2016); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 28,50% (1997) giảm xuống còn 13,03% (2016); tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ) từ 2,53 con (1997) còn 2,25 con (2015); tỷ lệ tăng dân số bình quân 0,3%/năm. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện mới các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 59,3% (1997) lên 73,2% (2016). Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ngày càng được cải thiện; việc phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên được quan tâm. Phong trào “xây dựng xã, phường; thôn, khối phố không có người sinh con thứ 3 trở lên” được các địa phương quan tâm duy trì và nhân rộng. Đến cuối năm 2016 toàn tỉnh đã có hơn 505 thôn và 2 xã đạt tiêu chí không sinh con thứ 3 trở lên (trong đó có 92 thôn đạt từ 3 năm liền trở lên), góp phần ổn định quy mô dân số. Những kết quả đó đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số; đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện...
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; ngoài ra, nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh. Đó là những sự tưởng thưởng xứng đáng, ghi nhận tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn miệt mài vận động, tư vấn cho người dân về chính sách DS-KHHGĐ theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của những người làm công tác dân số trong toàn tỉnh.
PHAN ĐÌNH NHÂN