Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thăng Bình xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề mới. Đồng hành với quá trình đưa nghề mới về địa phương, các chương trình khuyến công của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình đã thực sự là điểm tựa cho nông dân phát triển nghề tại quê hương.
Là người đầu tiên theo đuổi nghề làm nấm ở huyện Thăng Bình, 6 năm nay, ông Huỳnh Công Phượng (tổ 16, thôn Tú Cẩm, xã Bình Tú) vẫn miệt mài với nấm sò tím rồi nấm linh chi. Cơ sở sản xuất nấm của ông không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn là hướng đi mới trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Nếu trước kia, mỗi năm gia đình ông Phượng thu hoạch khoảng 7 tấn nấm, sau khi trừ chi phí có thu nhập hơn 100 triệu đồng thì đến nay, mỗi mùa làm nấm ông Phượng làm khoảng 8.000 bịch và cho thu hoạch 2 đợt, mỗi mùa làm nấm gia đình ông thu hơn 300 triệu đồng. Cùng với đó, ông tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho quá trình sản xuất. Mới đây, ông được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hỗ trợ máy hấp bịch nấm, nhờ đó đã mang lại những chuyển biến tích cực trong quá trình sản xuất. Ông Phượng cho biết: “Trước đây, hấp theo thủ công, hấp theo củi và than thì tốn sức lao động nhiều, năng suất chậm, đến ngày mùa, đúng ra mình làm 30 ngày, bây giờ có lò hấp bằng điện rồi thì rút ngắn được 50% thời gian, đồng thời bảo đảm được nhiệt, bảo đảm được khâu thanh trùng, hạn chế được tỷ lệ hư hỏng”.
Còn với anh Lê Minh Đẩy, khởi nghiệp với chăn nuôi từ 9 năm nay, đến tháng 11.2016, sau khi đã tích cóp đủ vốn, anh cùng vợ quyết định chuyển sang làm bánh tráng đa nem. Những ngày khăn gói ra miền Bắc học hỏi kinh nghiệm, cho đến những mẻ bánh đầu tiên bị bể, khó khăn tưởng chừng đã bao lần ngăn bước chân anh trên con đường lập nghiệp. Thế nhưng, với ý chí, sự quyết tâm cùng sự hỗ trợ máy làm bánh tráng đa nem của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, anh như được tiếp thêm sức mạnh. Gia đình anh mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 1,5 tạ bánh tráng đa nem cung cấp cho các cửa hàng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của anh cũng góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng. “Tôi mong muốn Hội Nông dân huyện, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hỗ trợ để các cơ sở liên kết lại với nhau tạo thành thương hiệu bánh Thăng Bình để đẩy mạnh việc tiêu thụ, đầu ra được ổn định” - anh Đẩy chia sẻ.
Với những người phát triển nghề mới trên quê hương, ý chí, quyết tâm đôi khi chưa đủ mà họ còn cần một số vốn kha khá trong tay để đầu tư trang bị cơ sở vật chất. Hiểu được điều đó, tính riêng trong năm 2016, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ của huyện, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình đã hỗ trợ hơn 600 triệu đồng để trang bị máy móc, thuận lợi cho việc sản xuất của các cơ sở trên địa bàn.
THU SƯƠNG - MINH TÂN