Việc thực hiện tốt và có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp huyện Núi Thành giải quyết được bài toán việc làm ổn định cho nhiều người dân ở địa phương.
Có nguồn thu nhập khá
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình chăn nuôi heo khép kín của mình, anh Hoàng Viết Văn ở thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp (Núi Thành) chia sẻ: Sông Eo - mảnh đất gia đình anh sinh sống, là vùng bị nhiễm mặn, phát triển kinh tế luôn là bài toán khó của người dân. “Riêng với gia đình tôi chỉ dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ và một ít đất canh tác nên khó khăn cứ đeo bám mãi. Khi tôi được học nghề chăn nuôi heo sinh sản và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi mới có được thu nhập khá hơn” - anh Văn kể. Sau khi được học nghề, tháng 5.2015, anh đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 500m2, đào 2.500m2 ao và mua 20 con heo nái ngoại GF24 với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Nhờ kiến thức học được từ lớp đào tạo nghề và sự nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của bản thân nên việc chăn nuôi của anh có nhiều thuận lợi. Anh Văn cho biết: “Qua một năm chăn nuôi, tỷ lệ heo nái sinh sản đạt 100% và heo con được đưa vào nuôi thương phẩm sinh trưởng đồng đều, tăng trọng tốt. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình tôi thu lợi 300 triệu đồng trong năm đầu”. Còn bà Trần Thị Hòa ở thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa, thoát nghèo nhờ Hội Nông dân huyện hỗ trợ học nghề chăn nuôi bò vỗ béo. Khi đã có được kiến thức từ lớp học nghề, bà vay mượn 30 triệu đồng mua 2 con bò siêu thịt về nuôi. Tận dụng thêm nguồn rơm từ gia đình nên giảm được chi phí chăn nuôi. “Năm ngoái tôi nuôi 5 lứa với 10 con bò, bán lãi được 50 triệu đồng, nhờ đó gia đình tôi không còn là diện hộ nghèo nữa” - bà Hòa cho biết.
Thông qua đào tạo nghề nhiều người trong độ tuổi lao động ở Núi Thành đã có việc làm ổn định. Ảnh: Đ.Đ |
Theo ông Nguyễn Công Tiến - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành, việc đào tạo nghề không chỉ giúp các gia đình tự phát triển sản xuất mà còn tạo điều kiện cho các nhóm hộ có được các mô hình kinh tế thành công. “Sau các lớp đào tạo nghề, các hộ được hỗ trợ về vốn vay, liên kết tạo nhiều tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh với quy mô vốn lớn, làm ăn hiệu quả, giải quyết được việc làm ổn định. Điển hình như mô hình tổ hợp dịch vụ nông nghiệp ở thôn Phú Quý 3 (xã Tam Mỹ Đông) với 35 lao động, các lớp dệt kim ở xã Tam Hải, Tam Nghĩa với trên 50 lao động, tổ hợp chăn nuôi heo ở Thọ Khương (Tam Hiệp) với 5 hộ có quy mô 200 con heo thịt… Từ năm 2011 đến nay, thông qua các hình thức học nghề, 24.700 lao động đã có việc làm với thu nhập ổn định. Trong đó có khoảng 4.300 lao động học nghề nông nghiệp có việc làm” - ông Nguyễn Công Tiến nói.
Gắn với nhu cầu thực tiễn
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết: “Là địa phương có số lượng người trong độ tuổi lao động nhiều và phần lớn đều là lao động ở vùng nông thôn nên huyện coi trọng việc đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Chính vậy, giai đoạn 2011 - 2015 từ nguồn kinh phí 11,5 tỷ đồng, địa phương xác định phải đào tạo được khoảng 11.500 lao động và 70 - 80% số lao động được đào tạo phải có việc làm ổn định. Kết quả, với Đề án 1956 của Chính phủ, huyện đã chiêu sinh dạy nghề các cấp độ cho 16.390 lao động và có 12.501 lao động được dạy nghề theo Đề án 764 của huyện”. Cùng với đào tạo nghề, Núi Thành đã tạo nhiều kênh vay vốn để người dân có điều kiện phát triển sản xuất với 1.226 lượt vay gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua sàn giao dịch việc làm của tỉnh, đã có gần 500 lao động có được việc làm ổn định. Theo lãnh đạo huyện, tuy đã có một số thành công trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhưng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của người dân bởi còn hạn chế trong công tác này.
“Tư vấn chọn nghề và tổ chức dạy nghề không xuất phát từ nhu cầu học nghề, không phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp mà chỉ nhằm để đạt về chỉ tiêu đề ra, đó là thực tế. Đồng thời việc không hỗ trợ, tạo điều kiện cho người học nghề về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm chưa tốt, chưa đem lại hiệu quả thiết thực khiến nhiều người học nghề xong vẫn không có được việc làm” - ông Ngô Đức An nhìn nhận. Mục tiêu đến năm 2020, Núi Thành sẽ đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp là chủ yếu với 1.750 lao động và tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt tối thiểu 80%. Để thực hiện được điều đó, Núi Thành xác định sẽ đảm bảo các hoạt động của hệ thống dạy nghề phải hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu của người sử dụng lao động. Đặc biệt, địa phương sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong đào tạo nghề và giải quyết lao động. “Hạn chế tình trạng đào tạo nghề mang tính hình thức để lấy thành tích, đồng thời phải gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp thì công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới đạt hiệu quả tối ưu, mới có thể đạt được mục tiêu lao động đã qua đào tạo nghề đạt 70% và giải quyết việc làm cho 17.500 lao động địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020 mà huyện đề ra” - ông Ngô Đức An nói.
ĐOÀN ĐẠO