Hiệu quả từ nông thôn mới

ĐOÀN ĐẠO 07/10/2015 10:07

Đến nay, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Núi Thành đã có hiệu quả tác động tích cực đến đời sống nhân dân và sự phát triển của địa phương.

Học… trồng lúa

ông Nguyễn Xuân Vũ (thôn Thạch Hưng, xã Tam Xuân 2) tâm sự: “Bây giờ làm cây lúa để sinh lời khó khăn hơn trước. Nhưng không làm không được vì giờ có tuổi rồi, đâu còn có cơ hội xin việc ở các nhà máy, xí nghiệp như thanh niên nên phải bám cây lúa mà sống”. Chuyện ông Vũ nói cũng là một thực tế khó về lao động lớn tuổi ở vùng nông thôn. Nhưng với gia đình ông Vũ và nhiều gia đình ở xã Tam Xuân 2, từ năm 2013 đến nay, những vụ lúa của họ đã có lãi nhiều hơn, đủ giúp họ trang trải cuộc sống. “Năm 2013, xã tổ chức học nghề trồng lúa cho 35 nông dân. Cách học theo mùa vụ từ lúc chuẩn bị cánh đồng đến khâu thu hoạch. Nông dân chúng tôi được dạy lại tất tần tật để làm sao giảm chi phí, để cây lúa sinh trưởng tốt nhất, cho năng suất cao nhất… Sau vụ hè thu 2013, những người đi học lớp trồng lúa dạy lại cho các nông dân khác trong xã, nhờ đó cách làm lúa của nông dân xã được “chuyên nghiệp” hơn nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật” - ông Vũ cho hay. Theo tính toán của ông Vũ, sau lớp học trồng lúa, cứ mỗi sào lúa ông giảm chi phí được khoảng 200 nghìn đồng, trong khi năng suất lúa tăng nên mỗi sào lúa cho thêm thu nhập khoảng 150 nghìn đồng.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, vùng nông thôn Núi Thành đã trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn. Ảnh: Đ.ĐẠO
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, vùng nông thôn Núi Thành đã trở nên đẹp đẽ, khang trang hơn. Ảnh: Đ.ĐẠO

Theo ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, địa phương xác định xây dựng NTM không gì hơn là giúp người dân thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn nên Đảng ủy, HĐND xã đã tập trung lớn vào khâu thoát nghèo. “Nhìn thấy vấn đề nhân dân vùng nông thôn vẫn siêng năng, tích cực làm việc mà vẫn không khá lên, xã đã tổ chức điều tra lấy ý kiến. Nhận được câu trả lời của dân là thiếu kiến thức về làm ăn, định hướng nghề nghiệp, chúng tôi đã quyết định mở 27 lớp học nghề mà người dân cần nhất cho 1.800 lao động ở xã như: học trồng lúa, nuôi cá, nuôi gà,… cho nông dân, khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên, mây tre đan để làm lúc nhàn rỗi cho phụ nữ… Có sức lao động lại có kiến thức, có định hướng thì… chỉ có ngồi không mới không có việc làm ổn định thôi” - ông Nguyễn Tấn Đồng nói vui. Nhờ quyết liệt tập trung vào khâu giải quyết công việc nên tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã tăng từ 20% (năm 2011) lên gần 50%. Trong khi đó, hộ nghèo giảm từ 12,12% (năm 2010) xuống còn 3,62%, thu nhập bình quân đầu người từ 10 triệu đồng (năm 2011) tăng lên 21,5 triệu đồng.
Không riêng xã Tam Xuân 2, người dân ở các xã điểm NTM của Núi Thành đã có thêm trợ lực trong việc tìm kiếm việc làm ổn định, hoặc tăng thu nhập hộ gia đình. “NTM không mang đến “con cá” cho nhân dân mà mang đến “cần câu”. Từ nguồn NTM, chúng tôi hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề, đầu tư dồn điền đổi thửa thành công, bê tông hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương… là các điều kiện cần thiết để người dân tự tìm kiếm mô hình kinh tế hoặc nâng cao năng suất các nghề truyền thống như nông nghiệp, ngư nghiệp để ổn định đời sống của họ” - ông Nguyễn Quang Diệu - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa khẳng định. Ở xã Tam Hòa, đến nay đã hoàn thành dồn điền đổi thửa trên 6 thôn với tổng diện tích 189ha giúp người dân trồng lúa với năng suất cao hơn trước, quy hoạch vùng sản xuất muối sạch rộng trên 40ha, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở 5 thôn có diện tích gần 30ha… Cũng theo ông Diệu, việc xây dựng chợ, thu hút một số doanh nghiệp về hoạt động trên địa bàn xã, hình thành các tổ may gia công… đã giúp cho rất nhiều lao động địa phương có thêm việc làm. Hiện nay, toàn xã Tam Hòa có 5.123 người trong độ tuổi lao động thì có đến 93,83% người có việc làm thường xuyên.

Người dân đã có thu nhập ổn định từ các nghề truyền thống. Trong ảnh: Thu hoạch muối ở xã Tam Hòa.  Ảnh: Hà Nguyễn
Người dân đã có thu nhập ổn định từ các nghề truyền thống. Trong ảnh: Thu hoạch muối ở xã Tam Hòa. Ảnh: Hà Nguyễn

Vùng nông thôn khởi sắc

“Thông qua khâu tuyên truyền về vận động xây dựng NTM, nhận thức của người dân giờ đã đổi thay. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc xây dựng gia đình văn hóa được chú trọng, xây dựng tộc họ, xây dựng thôn, khối phố văn hóa được khuyến khích, ngày càng phát triển. Đến năm 2015, có 50,72%  thôn, khối phố; 37 tộc họ; 82,11%  gia đình đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, khi người dân có công việc thu nhập ổn định và môi trường sống có văn minh hơn thì sẽ tạo nên một hệ quả khác là tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Điều mà lâu nay địa phương vẫn lo nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên không có việc làm. Vì khi thất nghiệp hoặc không có việc làm, họ sẽ là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự cho xã hội. Tuy nhiên vấn đề này đang được tháo gỡ tương đối tốt khi việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư ở các khu kinh tế mở, cụm công nghiệp ở huyện đã giúp cho khoảng 11 nghìn thanh niên địa phương làm việc ổn định với mức lướng khá và tạo ra 27.000 việc làm mới cho lao động địa phương. Song hành với đó, khi xây dựng NTM các địa phương thực hiện đề án phát triển sản xuất giúp nhiều người dân có điều kiện làm ăn kinh tế, tự ổn định cuộc sống”.
(Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành)

Trưởng thôn Đông Tân (xã Tam Hòa) Lê Anh Tuấn, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, kể chuyện: “Sức dân là một phần nhưng nhờ tuyên truyền xây dựng NTM, nhận thức của nhân dân thay đổi nên sức dân mới bật lên mạnh mẽ, cùng chung tay xây dựng quê hương. Từ khi thực hiện NTM đến nay, với phương châm “Nhà nước với nhân dân cùng làm” chúng tôi đã bê tông hóa các trục đường chính ở thôn, xây mới nhà văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa”. Giờ về Đông Tân hẳn ai cũng không ngờ nơi đây trước kia chỉ có con đường cát trắng vùng ven biển. Đông Tân giờ từng nhà có tường rào cổng ngõ khang trang, đường vào thôn có cổng chào chắc chắn được trang trí cờ phướn đẹp đẽ. Ông Nguyễn Quang Diệu cho biết, từ 2011 đến nay, toàn xã đã giải ngân gần 16 tỷ đồng vốn NTM để xây dựng hạ tầng cơ sở. “Trong năm 2015, chúng tôi tập trung sửa chữa, nâng cấp các trường mẫu giáo, tiểu học, một số nhà văn hóa thôn, các tuyến giao thông nội đồng với dự trù kinh phí khoảng gần 6,5 tỷ đồng. Hoàn thành các cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí về môi trường và thu nhập thì việc cán đích NTM vào cuối năm 2015 là điều chắc chắn” - ông Diệu khẳng định. Tương tự, xã Tam Mỹ Đông đã kiên cố hóa trên 7km kênh loại 3, bê tông hóa 7,2km giao thông nông thôn, 10,5km đường giao thông nội đồng, xây dựng mới 17 phòng học, xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung... với tổng kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh, từ xây dựng NTM mà hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn huyện Núi Thành đã được phát triển đáng kể. Đặc biệt là việc xây dựng giao thông nông thôn. Toàn huyện đã thực hiện bê tông hóa hơn 110km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, toàn huyện cũng đã nâng cấp, sửa chữa 25 trường học các cấp, xây dựng mới 2 chợ nông thôn. Trong thời gian qua, từ các nguồn vốn khác nhau, Núi Thành đã đầu tư gần 400 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO