Đối với các huyện miền núi cao, đói nghèo là câu chuyên muôn thuở. Giúp bà con thoát nghèo bằng cách cho cần câu hay cho cả cần câu lẫn con? Nam Trà My đã có cách làm sáng tạo để giải bài toán đói nghèo một cách bền vững cho bà con các dân tộc.
Gia đình chị Đinh Thị Lệ Vui ở thôn 1 xã Trà Mai, trước đây thuộc diện hộ nghèo, dù siêng năng lao động nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Từ ngày gia đình chị được cán bộ Ban Dân vận huyện đến giúp đỡ tư vấn cách vay vốn ưu đãi, cách sử dụng đồng vốn chăn nuôi nên chị đã mạnh dạn mua heo, mua bò, mua gà chăn nuôi. Nhờ siêng năng chăm sóc đàn heo, chỉ sau 6 tháng chị thu về gần trăm triệu đồng. Không chỉ tiếp cận thông tin từ cán bộ giúp đỡ, chị Vui còn sử dụng internet để học tập các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn. Chị đầu tư vốn nuôi thêm đàn gà, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào ấp trứng để tăng thu nhập. Sau một năm được sự tư vấn giúp đỡ tận tình của cán bộ gia đình chị Vui vượt nghèo đói và vươn lên thành hộ nông dân tiêu biểu biết áp dụng phương thức chăn nuôi mới hiện đại vào sản xuất. “Ngày xưa chăn nuôi, trồng trọt nhưng không có kiến thức nên thất bại miết. Chừ có cán bộ bày cho nên nuôi heo, bò, gà thuận lợi lắm. Nếu chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi sẽ thoát nghèo hết thôi” - chị Vui nói.
Đoàn xung kích thoát nghèo giúp dân sửa nhà tại xã Trà Vinh. |
Cũng nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ mà anh Đinh Văn Nghị ở xã Trà Mai vay 30 triệu đồng mua máy xay xát. Tuy mới đưa vào hoạt động chưa đầy một năm nhưng anh đã giúp người dân thôn 3 không còn phải vất vả giã gạo bằng tay như trước đây, cuộc sống của gia đình anh cũng khấm khá hơn. “Sắm máy xay xát, tôi vừa giúp dân làng giảm bớt sức lao động mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình. Tôi xát lúa cho bà con với giá 1.000 đồng/kg, chưa đầy một năm nhưng thu nhập nhiều hơn số tiền vay ban đầu. Tôi thấy cán bộ huyện hướng dẫn rất hiệu quả” - anh Nghị chia sẻ. Đó là những điển hình thoát nghèo nhờ phong trào cán bộ giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững ở Nam Trà My. Kết quả năm 2016, toàn huyện có 318 hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Sức lan tỏa từ phong trào này hiện lan rộng khắp cả huyện khi có thêm 520 hộ nghèo tự nguyện xin được đăng ký thoát nghèo bền vững.
Huyện Nam Trà My thành lập đoàn xung kích thoát nghèo gồm 50 thành viên là lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Tại các xã cũng thành lập đội xung kích giúp hộ thoát nghèo, mỗi đội 20 người. Đây là lực lượng có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ đăng ký thoát nghèo bằng cách phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập cho gia đình theo hình thức cầm tay chỉ việc.
LÊ GÂN