Cách đây vài ngày, lên vùng Gò Nổi của Điện Bàn tìm hiểu tình hình chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2019 – 2020, Tư tôi thấy vợ chồng anh Ba Long Hội ở thôn Bảo An (xã Điện Quang) lom khom phát dọn cỏ bờ và cày phơi ải những ruộng đất màu. Lân la hỏi chuyện, anh Ba chia sẻ: “Gia đình tôi có cả thảy 9 sào đất màu.
Nhờ ngành nông nghiệp thị xã và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kéo hệ thống điện ra các xứ biền nên tôi thuê người khoan giếng ngay trên ruộng để chủ động nguồn nước phục vụ quá trình canh tác. Những năm qua, tôi thực hiện hiệu quả phương thức luân canh - xen canh - gối vụ 4 loại cây trồng cạn chủ lực là ớt, đậu phụng, bắp nếp, đậu xanh, bình quân hằng năm thu về 70 – 75 triệu đồng từ mô hình này”.
Ông Lương Văn Minh – Bí thư Chi bộ thôn Bảo An cho biết, hiện nay địa phương có tổng cộng 95ha đất màu. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua công tác thủy lợi hóa đất màu được triển khai thực hiện mạnh mẽ tại nhiều vùng của thôn. Nhờ vậy, đến thời điểm này, toàn bộ số diện tích đất màu vừa nêu đảm bảo nguồn nước tưới trong các vụ sản xuất. “Bên cạnh việc chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, nông dân địa phương cũng hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Năm 2019 bình quân 1ha đất màu mang lại cho người dân thôn Bảo An mức thu nhập từ 115 – 117 triệu đồng, tăng 15 – 20 triệu đồng so với năm 2017 trở về trước” – ông Minh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, năm nay UBND thị xã tiếp tục chi 3,5 tỷ đồng hỗ trợ các xã Điện Phong, Điện Quang, Điện Phương, Điện Phước và phường Điện Ngọc đầu tư thi công thêm 5 công trình thủy lợi hóa đất màu để đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 135ha. “Điện Bàn có hơn 4.200ha đất màu, hiện đã có ít nhất 85% chủ động nước tưới quanh năm. Đáng ghi nhận là nhờ nhà nông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng và áp dụng các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến nên năm 2019 này 1ha đất màu của Điện Bàn đạt giá trị bình quân khoảng 142 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2014” – ông Chơi nói.
Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, ngoài Điện Bàn, trong năm nay nhiều địa phương khác của tỉnh như Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành... cũng đã đầu tư xây dựng thêm 17 công trình thủy lợi hóa đất màu với tổng số tiền xấp xỉ 20 tỷ đồng nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho nông dân phát triển các mô hình luân canh – xen canh – gối vụ những loại cây trồng cạn, rau đậu theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung.