Thương hoài bếp củi

SONG NGUYỄN 06/08/2015 14:29

(QNO) - Từ ngày tôi chuyển nhà về con hẻm này, đã có miếng đất trống sát vách bỏ hoang. Mười năm rồi, tôi chưa biết mặt chủ đất. Nghe đâu thỉnh thoảng chủ có lên thăm đất, ông bảo với hàng xóm là chờ thằng con út lấy vợ, rồi cất nhà cho nó. Thằng út mới 18, dễ chừng miếng đất còn bỏ hoang tới 10 năm nữa. Dù chỉ là đoán mò, nhưng điều đó cũng khiến nhiều người phấn khởi.

Ông chủ dễ tánh, bảo ai muốn trồng gì thì trồng, nhưng nhớ đừng... khiêng miếng đất đi đâu là được! Miếng đất 72m2, phụ nữ nội trợ tranh thủ mỗi người mỗi khoảnh trồng rau. Nào rau muống rau lang, rau thơm các loại, thêm vài cây ớt chỉ thiên. Mấy luống rau xanh mướt mắt. Ở thành phố, có khoảnh đất để trồng rau sạch là mơ ước của nhiều người, nên ai cũng mong thằng út... từ từ lấy vợ.

 Miếng đất kẹp giữa nhà tôi và gia đình một người hàng xóm mới chuyển về. Nhà hàng xóm có cụ bà ngoài 70. Hẳn cụ cũng muốn có một “chân” trong mảnh đất ấy, nên cứ chiều chiều, cụ chắp tay đi qua đi lại, hết nhìn mấy luống rau rồi như tìm kiếm thứ gì. Tôi hỏi điều mình thắc mắc. Cụ bảo là muốn tìm chỗ đặt cái ông kiềng để nấu bếp củi. Tôi ủng hộ cụ bằng cách tìm vị trí thích hợp, rồi phụ dọn cỏ rác, đặt ông kiềng giúp cụ. Cụ vào nhà, bê ra cái ấm nước đã cũ, và mớ củi để dành sẵn. Dù ai đó đã cố lau chùi, nhưng không khó để nhận ra cái ấm từng được nấu bếp củi, bởi những vệt đen loang lổ.

Con hẻm tôi ở là hẻm thông, nối với mấy con hẻm khác, vì thế xe chạy tấp nập ngày đêm. Cuối con hẻm là chợ. Phụ nữ mấy hẻm lân cận đi bộ ra chợ cũng nhiều. Ai đi ngang, đều dừng lại hỏi cụ vài câu, kiểu như “sao không nấu bếp ga cho khỏe?”, “mua than đá mà nấu cụ à”, hay “thấy cụ đun củi mà nhớ quê quá”. Cụ chỉ cười mà không giải thích. Người đi đường có khi thấy bếp cháy dở, liền dừng lại đẩy mấy cây củi vào bếp. Hay khi bếp vừa tắt lửa, có người không ngại ngồi xuống, thổi cho bếp củi cháy lên mới chịu đi. Không biết vì thương cụ, hay vì nhớ làn khói bếp quê nhà mà không ít người lại quan tâm cái bếp củi của cụ. Tôi tin, có người đang dùng bếp ga, bếp điện, chưa một lần biết nhen cái bếp củi, nhưng nội, ngoại, hay mẹ của họ thì đã từng dùng. Nên chỉ cần nhìn ánh lửa bập bùng, thì cái bếp củi sẽ dệt lên trong ký ức họ biết bao hoài niệm, nhớ thương. Thương cái bếp mùa mưa, củi chưa kịp khô, nên ngún khói cay xè đôi mắt. Nhưng khi củi đã bắt lửa, bếp sẽ hun ấm bao bàn tay giá lạnh, cho hạt cơm dẻo thơm thơm mùi đồng nội... Người quê lên phố, mang theo cái bếp củi trong ký ức, để đơn giản là sưởi ấm tâm hồn mỗi khi nhớ quê xa. Từ ngày cụ bà bày cái bếp củi, con hẻm nhỏ bỗng rộn ràng. Đám trẻ thành phố có đứa lần đầu nhìn thấy bếp củi, tròn xoe đôi mắt bi, ngỡ ngàng chẳng biết hạt cơm bếp củi, với hạt cơm bếp điện có gì khác nhau nhỉ. Một bữa, cụ bà quyết định nấu cơm bếp củi. Đám trẻ chờ đợi “điều kỳ diệu”, chúng vây quanh cái bếp, bên bà cụ, làm tôi liên tưởng một bức tranh cổ tích đẹp tuyệt vời. Bà xới mỗi đứa mỗi chén cơm đầy. Và chúng thưởng thức trong niềm hân hoan chưa từng có!

Cụ bà dùng bếp chủ yếu nấu nước châm vào các bình thủy, để sáng ra có nước pha trà, hay dùng nấu canh nấu cơm cho đỡ tốn ga, và để chiều về các cháu được tắm nước ấm. Mấy cụ bà ở quê theo con cháu vào thành phố vẫn mang theo thói quen ưa tận dụng, dù con cháu không khuyến khích, thậm chí cấm cản, nhưng đôi khi cũng đành bất lực trước thói quen không dễ thay đổi ấy. Cái mùi khói củi “thơm lạ thơm lùng” mà cụ thường nói, có lẽ với các cụ cùng thế hệ, hoặc phụ nữ lớn tuổi mới có thể cảm nhận cái mùi đặc biệt ấy, chứ đám trẻ thành phố thì nhăn mặt khó chịu, lạ lùng trước khứu giác “dị tật” của người thân mình.  

Mấy hôm nay không thấy cụ bà ra ngoài nấu nước, con hẻm nhỏ buồn tênh. Bếp củi lạnh ngắt, mà mùi thơm của khói cứ lảng vảng, đặc quánh một trời nhớ thương. Một đứa trẻ chẳng biết tìm đâu ra khúc củi khô, nó kéo lê khúc củi dưới mặt đường, đang dáo dác tìm bà cụ để tặng. Cụ bà tận dụng hết sức lực già nua để bổ đôi khúc củi bằng cây rựa bà mang từ quê vào.

Bà giới thiệu với mọi người là cái rựa này bà mang từ Quảng Nam vào. Bà để dành để chẻ củi nấu nước.

 SONG NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương hoài bếp củi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO