Hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp

CHÂU NỮ 15/05/2017 08:50

Mấy năm gần đây, ngành giáo dục Quảng Nam đã có cách làm mới trong việc hỗ trợ trẻ em trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học bằng cách tổ chức nhiều hoạt động để giúp trẻ tự tin hòa nhập với môi trường mới.

Nhiều cách làm mới

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT), việc chuyển tiếp của trẻ từ bậc học mầm non lên tiểu học không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trước đây, việc hỗ trợ chuyển tiếp cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức, các trường tiểu học và mầm non thiếu sự kết nối hoặc kết nối còn lỏng lẻo. Mấy năm gần đây, nhất là khi có sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng - Vương quốc Bỉ (VVOB) trong lĩnh vực giáo dục, việc hỗ trợ chuyển tiếp cho trẻ đã được quan tâm thực hiện tốt hơn.

Học sinh lớp mẫu giáo lớn Trường Mẫu giáo Hương Sen tham quan, sinh hoạt  và giao lưu với học sinh lớp 1 Trường tiểu học Kim Đồng. ảnh: CHÂU NỮ
Học sinh lớp mẫu giáo lớn Trường Mẫu giáo Hương Sen tham quan, sinh hoạt và giao lưu với học sinh lớp 1 Trường tiểu học Kim Đồng. ảnh: CHÂU NỮ

Theo đó, các trường trên địa bàn tỉnh đều tăng cường các hoạt động phối hợp, tạo cầu nối giáo dục giữa hai cấp học; đồng thời phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ tối đa cho trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học. Giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non và tiểu học cũng được tập huấn nâng cao kỹ năng để thực hiện công tác này. Chẳng hạn Trường Mẫu giáo Bình Minh (Phú Ninh) - đơn vị nằm trong dự án của VVOB, đã phối hợp với Trường Tiểu học Thái Phiên tổ chức tọa đàm về giai đoạn chuyển tiếp của trẻ với sự tham dự của các ban, ngành địa phương; tổ chức tập huấn và giao lưu giữa hai trường mầm non và tiểu học. Còn tại các trường tiểu học ở Tam Kỳ, một trong những cách hỗ trợ chuyển tiếp cho trẻ là việc xây dựng môi trường, không gian trường học có những điểm tương đồng với môi trường hoạt động của trẻ ở trường mầm non nhằm tạo sự kết nối, giúp trẻ không thấy quá xa lạ khi lên học ở trường tiểu học. Tại Đại Lộc, Trường Mầm non Đại Cường phối hợp với Trường Tiểu học Đỗ Văn Quả và Trường Tiểu học Nguyễn Thái Húy (2 trường tiểu học trong xã, nơi trẻ sẽ được chuyển tiếp lên trong năm học tới) tổ chức sinh hoạt giao lưu chuyên đề môn học làm quen chữ cái. Qua đó, tạo điều kiện để các thầy cô giáo tham gia thao giảng, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm và những yêu cầu cần thiết trong việc hỗ trợ trẻ về kiến thức, kỹ năng và tâm lý trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

Cạnh đó, nhiều trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về giai đoạn chuyển tiếp của trẻ mầm non thông qua các cuộc họp phụ huynh hoặc trao đổi vào giờ đón, trả trẻ hằng ngày. Đồng thời tổ chức cho trẻ tiếp cận với phương thức sinh hoạt và làm quen môi trường học tập ở các trường tiểu học. Vào thời điểm này, khi năm học 2016 - 2017 sắp kết thúc, bên cạnh việc thực hiện chủ điểm trường tiểu học, nhiều trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với trường tiểu học (nơi mà trẻ sẽ học) tổ chức cho trẻ tham quan trường học; tổ chức cho giáo viên các trường giao lưu, chia sẻ, thống nhất những việc làm cần thiết để cùng hỗ trợ trẻ trong giai đoạn này đạt hiệu quả.

Giúp trẻ tự tin

Cách đây ít lâu, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) đã tổ chức đón học sinh Trường Mầm non 24.3 đến thăm trường. Ngoài chương trình giao lưu giữa học sinh 2 trường, học sinh Trường Mầm non 24.3 được tham quan các lớp học, phòng học, thư viện, phòng truyền thống của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Những hoạt động này đã đem lại niềm vui cho các cháu mẫu giáo, qua đó, giúp cho các cháu lớp lớn của Trường Mầm non 24.3 có được tâm thế sẵn sàng để bước vào lớp 1. Trong khi đó, Trường Tiểu học Kim Đồng thì phối hợp với tất cả trường mầm non trên địa bàn phường, gồm các trường: Mầm non Hương Sen, Thánh Gióng, Đô Rê Mon, Nhân Văn và Mầm non Thực Hành để tổ chức các hoạt động hỗ trợ chuyển tiếp cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Như Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, cho biết: “Việc này nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non trên địa bàn phường An Mỹ nắm được đặc điểm, nhu cầu cũng như nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy ở lớp cuối và đầu của hai bậc học nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để giảng dạy và giáo dục, hỗ trợ tốt cho trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên lớp một”.

Các trường mầm non cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ chuyển tiếp cho học sinh, nhất là về mặt tâm lý. Cô Lê Thị Thu Hiếu - tổ trưởng chuyên môn lớp mẫu giáo lớn, Trường Mẫu giáo Hoa Mai (Tam Kỳ), cho biết, để giúp trẻ trong giai đoạn này, ngay từ lớp mẫu giáo lớn, các cháu đã được trang bị về thể chất, hướng dẫn trẻ tự lập các vấn đề vệ sinh, ăn uống, nền nếp. Các giáo viên lớp mẫu giáo lớn Trường Mẫu giáo Hoa Mai và giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (nơi các cháu sẽ học lớp 1) cũng đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra phương pháp giáo dục tốt nhất, giúp trẻ chuẩn bị tâm lý để bớt bỡ ngỡ. Còn theo cô Phạm Nguyễn Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ), ở học bậc học mầm non trẻ chủ yếu tham gia hoạt động vui chơi; trong khi đó ở lớp 1, trẻ chủ yếu tham gia hoạt động học tập. Do vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp, bên cạnh việc giáo dục kỹ năng tự lập, kỹ năng thực hành nền nếp, kỷ luật, đội hình, đội ngũ, kỹ năng sinh hoạt nhóm... nhà trường còn tập trung vào việc chuẩn bị tâm lý để trẻ mạnh dạn, tự tin bước vào lớp 1. Nhiều phụ huynh có con học lớp mẫu giáo lớn đã bày tỏ sự đồng tình, hài lòng với những cách làm nói trên. Chị Huỳnh Thị Kim Liên - phụ huynh cháu Nguyễn Huỳnh Phương Trinh - lớp mẫu giáo lớn, Trường Mẫu giáo Hương Sen chia sẻ, vừa rồi con chị cùng với các bạn lớp mẫu giáo lớn tham gia các hoạt động văn nghệ, giao lưu và tham quan Trường Tiểu học Kim Đồng; giáo viên cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh giai đoạn chuyển tiếp của trẻ. Với sự hỗ trợ chuyển tiếp dành cho trẻ mà nhà trường đang làm, hy vọng con chị sẽ tự tin, mạnh dạn bước vào lớp 1.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO