Ngày 26.9, tại TP.Hội An, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo 14 tỉnh miền Trung họp bàn việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Nam là một trong 7 tỉnh đã được chọn triển khai dự án thí điểm đạt hiệu quả. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đồng chủ trì cuộc họp.
Vơi bớt gánh lo
Từ tháng 6.2012, dự án thí điểm hỗ trợ xây dựng nhà tránh bão lụt của Chính phủ được thí điểm tại 7 tỉnh, thành ở miền Trung với 700 nhà dân được hỗ trợ xây dựng. Qua mùa mưa bão 2013, những căn nhà tránh bão lụt đã giúp người dân vơi bớt nỗi lo và phát huy hiệu quả trong phòng tránh thiên tai. Tại Quảng Nam có 100 hộ dân ở vùng rốn lũ Đại Lộc và Điện Bàn được chọn thí điểm xây nhà tránh bão lụt. Từ nguồn tiền hỗ trợ cùng sự nỗ lực của các hộ, những căn nhà tránh lũ được xây dựng không chỉ giúp 100 hộ dân và những gia đình lân cận nương tựa mỗi khi bão lũ về.
Nhà tránh lũ giúp người dân vùng rốn lũ Đại Lãnh (Đại Lộc) vơi bớt nỗi lo thiệt hại do thiên tai. Ảnh: N.T |
Xã Đại Lãnh (Đại Lộc) nằm phía hạ nguồn của nhiều công trình thủy điện, hàng năm phải gánh chịu 4 - 5 trận lũ lụt nên được chọn làm thí điểm của dự án. Từ năm 2012, dự án đã triển khai 50 nhà tránh lũ tại những vùng thấp trũng, các công trình này được thiết kế vượt mực nước lũ lịch sử làm cho người dân phần nào an tâm hơn. Với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và ưu đãi vay ngân hàng 10 triệu đồng/hộ, nhiều dân trong dự án thí điểm tại xã Đại Lãnh phải vay mượn thêm mới đủ để xây dựng nhà tránh bão lụt nhưng ai cũng đồng tình. Gia đình bà Quách Thị Đinh (thôn Hoằng Phước Bắc, xã Đại Lãnh) được chọn vào dự án. Bà Đinh cho biết, để xây dựng căn nhà tránh lũ, gia đình phải bấm bụng vay mượn hơn 40 triệu đồng. Với chiều cao mặt sàn hơn 8m, vượt mức nước lũ lịch sử gần 2m, rộng hơn 12m2, căn nhà tránh lũ của gia đình phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn khi nước lũ lên. Gia đình hộ nghèo với 7 nhân khẩu, dù phải nợ nần để xây nhà nhưng ai cũng phấn khởi vì tính mạng cho cả nhà sẽ được đảm bảo trong mùa mưa lũ. Trong những trận lũ lụt năm 2013, nhiều người dân lân cận đã đến tá túc tại nhà bà chờ nước rút. Bà Đinh nói: “Thủy điện xả lũ dễ gây lũ lụt bất thường. Trước đây, mỗi lần có mưa lũ là cả nhà phải gồng gánh chạy, có nhà tránh lũ gia đình an tâm hơn, bà con chòm xóm cũng được nhờ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết, những căn nhà tránh bão lụt thực sự phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực đối với người dân vùng rốn lũ, giúp chính quyền cũng như người dân vơi bớt nỗi lo mỗi khi bão lũ về. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương có dự án thí điểm thì mức hỗ trợ còn thấp, trong khi giá cả vật liệu xây dựng, nhân công ngày càng cao. Để xây dựng nhà tránh lũ mỗi hộ bắt buộc phải đầu tư thêm ít nhất là 20 - 30 triệu đồng. Trong khi đó, các hộ đều là hộ nghèo, vay mượn xây nhà rồi lâm vào cảnh nợ nần, khó có thể chi trả. Ngoài ra, việc xây nhà cần tính đến chuyện người dân có thể sử dụng trong điều kiện bình thường mới thực sự hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ 40 nghìn hộ
Tại buổi làm việc với lãnh đạo 14 tỉnh thành miền Trung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau khi thí điểm xây nhà tránh bão lụt ở 7 tỉnh được đánh giá là đạt hiệu quả, ngày 28.8.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Chính phủ sẽ triển khai hỗ trợ cho khoảng 40 nghìn hộ nghèo của 14 tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng của lũ lụt có nhà ở an toàn, ổn định để an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện vươn lên thoát nghèo (sẽ phân bổ cụ thể số lượng nhà cho từng địa phương). Đối tượng hỗ trợ được xếp loại theo thứ tự ưu tiên và đủ điều kiện theo quy định: là hộ nghèo theo chuẩn nghèo, chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà. Chính phủ sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ cư trú ở khu vực nông thôn, 14 triệu đồng/hộ ở vùng khó khăn, 16 triệu đồng/hộ thuộc thôn bản đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, những gia đình có nhu cầu vay vốn để xây nhà phòng tránh bão lũ sẽ được vay tối đa 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 3%/năm, thời hạn vay kéo dài 10 năm... Chính sách trên sẽ được thực hiện trong 3 năm (từ 2014 - 2016) với lộ trình năm 2014 sẽ tiến hành xây dựng 20%, 2015 là 40% và 2016 sẽ hoàn thành xong 40% còn lại…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung cần khẩn trương triển khai việc xây dựng đề án hỗ trợ hộ nghèo theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, thiết kế mẫu nhà phòng tránh bão lụt phù hợp với điều kiện, tập quán từng vùng, tổ chức tập huấn cán bộ từ huyện về đến tận thôn, bản nằm trong vùng được hưởng thụ. Tất cả phải công minh, rõ ràng đúng đối tượng. Về kế hoạch triển khai, ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc triển khai khẩn trương là cần thiết, tuy nhiên trong năm 2014 không thể hoàn thành 20% kế hoạch xây dựng nhà phòng tránh bão lụt vì mùa mưa lũ đã cận kề. Nếu làm gấp rút sẽ lo ngại về chất lượng và tuổi thọ của công trình. Do đó, cần xem xét lại kế hoạch thực hiện của dự án.
NGUYỄN THÀNH