Cuộc đời và cách sống của ông gói gọn trong 3 chữ “ tâm, nghĩa, tình”. Với hơn ngàn công nhân xuất thân từ người nông dân chân lấm tay bùn, ông luôn xem họ như những người ruột thịt. Ông là Đào Ngọc Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty May Hòa Thọ Quảng Nam.
Cái tình với công nhân
Sáng Chủ nhật những ngày cuối năm, cổng công ty may Hòa Thọ Quảng Nam, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình vẫn tấp nập công nhân ra vào. Những chuyền may vẫn hoạt động hết công suất. Anh Bảy, bảo vệ công ty, bảo: “Tui chưa thấy công nhân nào như công nhân ở đây! Ở nơi khác thì Chủ nhật bị bắt làm tăng ca, công nhân đình công, la ó tùm lum. Còn ở đây, Chủ nhật được nghỉ thoải mái thì công nhân vẫn đi làm. Làm tự nguyện và hăng hái lắm. Tui dám cá là cả nước này chỉ có công nhân của Hòa Thọ Quảng Nam mới làm thế!”.
Có nhiều công nhân may Hòa Thọ Quảng Nam gắn bó với công ty đến 2 thế hệ. |
Câu chuyện ở những chuyền may “con mọn” của Hòa Thọ Quảng Nam luôn khiến những người công nhân háo hức. Với họ, đây là ngôi nhà thứ hai đầy thương yêu, không chỉ đem lại công ăn việc làm mà còn cho họ sự sung túc và những trải nghiệm vượt sức tưởng tượng của người nông dân hồn hậu.
Bước chân vào nghề “kim chỉ” hơn 16 năm, ông Đào Ngọc Phương luôn tâm niệm phải làm sao để cho những người dân quê Thăng Bình của mình có cuộc sống sung túc hơn. Hơn 16 năm hình thành và phát triển, Hòa Thọ Quảng Nam có lẽ là nơi duy nhất mà trong đó có gia đình 2, 3 thế hệ cùng làm công nhân. “Tôi luôn đặt mình vào vị trí của công nhân để biết họ cần gì. Tôi cũng đi lên từ chân đất và bước vào thương trường cùng những người nông dân chân đất. Tôi cố làm tất cả, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và xem họ như người ruột thịt của mình” - ông Phương chia sẻ.
Mức lương tối thiểu của Hòa Thọ Quảng Nam được ông Phương đưa ra không được thấp dưới 3 triệu đồng, thu nhập bình quân hiện nay là 4 triệu đồng/tháng, và có những công nhân tay nghề giỏi thì đạt mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/ tháng. Năm 2012, trong khi nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất thì Hòa Thọ Quảng Nam vẫn thưởng tết cho công nhân 2 tháng lương, tương đương 7 triệu đồng, với những công nhân xuất sắc sẽ được thưởng 30% năng suất lao động của tháng… Ông Phương khẳng định: “Tôi chỉ muốn khi bước chân vào bất kỳ nhà một công nhân nào thì được thấy ở đó có đầy đủ máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, ti vi. Và thực tế, nhà công nhân của tôi, không ai thiếu những thứ đó! Hãy thử nhìn vào bãi giữ xe của công ty, công nhân tôi không đi xe Tàu đâu, họ đi toàn xe tay ga, hoặc xe liên doanh. Chừng đó thôi, tôi đủ tự tin để bước tiếp nghề kim chỉ của mình”.
Với triết lý thương công nhân như người ruột thịt, hơn 1.200 công nhân của Hòa Thọ Quảng Nam có cuộc sống đủ đầy… |
Hòa nhịp với hội nhập
Ngành may mặc Quảng Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các xưởng may công nghiệp mọc lên như nấm sau mưa ở các làng quê. Nhưng để tồn tại và phát triển, để đời sống người công nhân được đảm bảo đủ đầy, bài toán thương trường phải được các chủ doanh nghiệp tính toán cẩn trọng. Với doanh thu 100 tỷ đồng và lợi nhuận 10 tỷ đồng, Hòa Thọ Quảng Nam luôn giữ được đối tác khách hàng thân thiết của mình. Với ông Phương: “Phải xem ngành may mặc là ngành xã hội thì mới có thể quản lý tốt con người tham gia sản xuất ở đó. Tôi bước vào thương trường bằng cái gọi là đồng hành với những người chân đất, tôi đặt quyền lợi của công nhân mình lên trên hết. Họ là những người lao động phổ thông nhưng giá trị lao động của họ là rất cao. Nếu bạn không chăm sóc tốt đời sống cho họ, không hiểu họ thì bạn sẽ không bao giờ có được sự sẻ chia của công nhân”.
Khi được hỏi về chế độ làm việc và đãi ngộ ở Hòa Thọ Quảng Nam, nhiều công nhân đều khẳng định họ được đãi ngộ tốt. Hằng năm, doanh nghiệp cho công nhân đi du lịch nước ngoài, đi tham quan bằng máy bay chứ không phải là đi bằng xe khách. Chị Lê Thị Tiên - Một công nhân xuất sắc của công ty cho biết: “Làm công nhân 10 năm ở Sài Gòn, tui luôn sống chật vật, vậy mà về đây làm 2 năm tui đã có của ăn của để. Năm rồi đạt danh hiệu công nhân xuất sắc, tui được công ty cho đi du lịch Thái Lan. Nói thiệt, làm nông dân rồi công nhân, chỉ mong đủ sống thôi vậy mà giờ tụi tui có hộ chiếu, rồi được đi máy bay ra nước ngoài. Tui tự hào là người của Hòa Thọ Quảng Nam”. Không chỉ cho đi du lịch nước ngoài, những chuyến du lịch trong nước để thưởng cho công nhân xuất sắc cũng được ông Phương quyết định cho đi bằng máy bay. Ông cho biết: “Mình cũng như họ thôi! Đi xe khách mệt mỏi và tốn thời gian. Thay vì họ mất 3 ngày để đi xe thì họ đi máy bay chỉ mất 2 tiếng, còn lại là họ ăn chơi, ngủ nghỉ. Tôi không tiếc gì cho công nhân của mình cả! Họ vui là mình vui”.
Không dừng lại ở Hòa Thọ Quảng Nam, ông Phương tiếp tục đầu tư thêm Hòa Thọ Phú Ninh tại cụm công nghiệp Chợ Lò - Tam Thái với 20 chuyền may và 2.000 công nhân. Hiện tại dự án đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 với 10 chuyền may, giải quyết công ăn việc làm cho 1.000 công nhân địa phương. Năm 2013 ông sẽ tiếp tục đầu tư dự án Hòa Thọ Bình Quý tại xã Bình Quý - Thăng Bình với quy mô trên 1.000 công nhân nữa. Nhận xét về sự phát triển của ngành may mặc Quảng Nam ông Phương cho rằng, càng nhiều nhà máy may mọc lên ở nông thôn thì càng có lợi cho người nông dân. Doanh nghiệp may mặc cần có sự phát triển thống nhất trong chỉnh thể để tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư sẽ theo đó mà cải thiện. Và cũng nhờ vậy, các dịch vụ phụ trợ cũng phát triển theo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Quảng Nam.
PHẠM AN LƯƠNG