Người xưa có nói “họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập”, cảnh báo họa là bởi lời từ miệng thốt ra, bệnh cũng do từ miệng mang vào. Nhưng miệng không chỉ mang theo bệnh, mà còn… mang (hoặc gây) thêm họa. Vì thế, có thể “trại” theo ý người xưa mà viết rằng: Họa tòng khẩu nhập.
Bệnh vào người theo đường ăn uống, chuyện này đã quá rõ. Nhưng còn “họa”?
Cái họa đầu tiên chính là sự bất nhất trong cơ chế kiểm soát. Chúng ta vẫn chưa quên những quy định tưởng rất chặt chẽ nhưng hóa ra lại hết sức “xa rời thực tế” trong Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế (quy định điều kiện ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, có hiệu lực từ 20.1.2013). Thông tư này có 4 chương, 12 điều, nhưng chỉ riêng khoản 1, 2 điều 8 (chương 3) đã khiến dư luận không ngớt bàn tán, liên quan đến quy định người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, phải được khám sức khỏe và cũng có giấy xác nhận… Ban hành chi tiết là vậy, nhưng không chỉ người kinh doanh và ngay đến cơ quan thừa hành công vụ trong kiểm tra, kiểm soát cũng thấy bất khả thi, hoặc quá tải.
Cái họa thứ hai mới đáng lo, khi sự bất an cứ thường trực trên mỗi mâm cơm. Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay (từ 15.4 đến 15.5) chọn chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể” là để tập trung vào nguy cơ gây tác hại trên diện rộng, với số đông. Thực ra, các bếp ăn quy mô nhỏ hơn (nhưng số lượng đông hơn) như quán sá dọc đường mới đáng lo. Vậy nhưng, kể cả khi có đầy đủ các ràng buộc về tiêu chuẩn, có thừa những lời cảnh báo về tác hại của thực phẩm “dỏm” thì các quán ăn vẫn bình chân như vại. Mà muốn xử lý cũng bó tay vì thiếu nhiều thứ, lại cần phải lấy mẫu test nhanh, tạm đình chỉ hoạt động… Rốt cuộc, cơ quan chức năng chọn giải pháp tuyên truyền nhắc nhở là chính, dần dà những quy định của pháp luật trở nên “lờn thuốc”.
Kiểm soát kém, bất an cứ đeo đẳng, và nỗi ám ảnh luôn hiện diện nơi người tiêu dùng. Cho nên, thật khó mà làm đúng như những gì cơ quan chuyên môn khuyến cáo, rằng thực phẩm sạch phải đảm bảo cùng lúc 3 tiêu chí về đầu vào, chế biến, đầu ra. Ngược lại, thi thoảng báo chí lại “phát hiện” vụ chơi bẩn nào đó từ hàng ngoại như trái cây bị tiêm thuốc, thức ăn có dư lượng chất cấm vượt mức cho phép, hàng hóa bị nghi có chất độc… càng gia tăng mối lo. Điều khá kỳ khôi là trong khi chúng ta cảnh giác cao độ với hàng Trung Quốc, thì chính người tiêu dùng Trung Quốc cũng bị ám ảnh không kém. Câu chuyện thời sự về nỗi ám ảnh thực phẩm ở nước láng giềng chính là vụ thịt chuột giả thịt cừu, mà có bản tin giật tít khá ấn tượng: “Treo đầu cừu bán thịt chuột”.
Các quán nhậu vỉa hè vẫn đỏ đèn hằng đêm, các xe hàng rong vẫn mưu sinh mỗi ngày, các đợt kiểm tra vẫn triển khai theo định kỳ hoặc đột xuất, ngộ độc thức ăn có thể không xảy ra vụ việc nào đặc biệt… nhưng xem ra niềm tin về an toàn thực phẩm bị xói mòn. Vậy mới nói, bệnh sẽ vào từ miệng, và họa cũng vào theo.
HỒ VI LAO