Với khí chất của con người Quảng Nam, từ cử tri cho đến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hay đại biểu HĐND tỉnh, khi nhìn nhận vấn đề gì, thấy vấn đề gì cần nói thì đều nói, phản ánh trung thực, thẳng thắn, trên tinh thần trách nhiệm và xây dựng, vì cái chung.
1. Nhìn lại nhiệm kỳ hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình cho biết, tại các diễn đàn Quốc hội, ĐBQH đơn vị Quảng Nam tham gia thảo luận hết sức sôi nổi, với nhiều ý kiến sâu sắc, được cơ quan Trung ương, Quốc hội tiếp thu.
Rồi ở các phiên chất vấn, ĐBQH tỉnh thể hiện được chính kiến của mình qua câu chuyện ghi nhận từ hơi thở cuộc sống, những vấn đề thực tiễn đặt ra và ý kiến, kiến nghị của cử tri. ĐBQH Quảng Nam thẳng thắn, thể hiện được trách nhiệm của người đại biểu dân cử khi tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao… về các vấn đề được cử tri quan tâm.
“Đoàn ĐBQH tỉnh đã rất nỗ lực nghiên cứu từng vấn đề, đưa ra những câu hỏi chất vấn tuy ngắn gọn nhưng đi vào thực chất. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã có hơn 18 lượt chất vấn của ĐBQH Quảng Nam tại nghị trường và hơn 5 lượt chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, rất nhiều nội dung mà nếu không có điều kiện chất vấn trực tiếp tại nghị trường, chúng tôi gửi văn bản đến các chủ thể liên quan nghiên cứu, trả lời cụ thể. Rất nhiều nội dung chất vấn được các bộ, ngành Trung ương, chủ thể liên quan tiếp thu, điều chỉnh hoàn chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn cuộc sống” - ông Phan Thái Bình bày tỏ.
Mặc dù số lượng đại biểu giảm đi hai người so với đầu nhiệm kỳ, song các ĐBQH đoàn Quảng Nam rất nỗ lực trong hoạt động của đại biểu dân cử, hoàn thành tốt nhiệm vụ trước cử tri và nhân dân. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, cử tri tham dự đều ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả hoạt động của các ĐBQH tỉnh.
Cũng theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình, công tác tham gia xây dựng luật là nhiệm vụ quan trọng của ĐBQH. Tất cả dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là những đối tượng bị tác động bởi dự án luật. Đến nay, Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến góp ý hơn 76 dự án luật và các nội dung quan trọng khác trong việc tham gia xây dựng pháp luật.
Một nội dung rất quan trọng mà Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ qua hết sức quan tâm, đó là tổ chức hoạt động giám sát. Các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các tiểu ban đều được Đoàn triển khai nghiêm túc, đầy đủ. Đã tổ chức hơn 15 đoàn giám sát; trong đó, ngoài những đoàn giám sát theo kế hoạch chung, Đoàn ĐBQH tỉnh còn chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương, trên cơ sở thông tin đề xuất, kiến nghị của cử tri, cũng như trong quá trình phối hợp công tác với các địa phương, đơn vị để xây dựng và tổ chức 5 đoàn giám sát độc lập.
“Các đoàn giám sát đều có báo cáo và kết luận, kiến nghị những vấn đề lớn đối với Trung ương, những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Qua theo dõi, tất cả kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh được các bộ, ngành Trung ương tiếp thu, sửa đổi rất nhiều văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách. Ở địa phương cũng kịp thời sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống” - ông Bình nói.
2. Thành tựu phát triển của Quảng Nam trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khẳng định những đóng góp to lớn của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh khóa IX tổ chức 22 kỳ họp, với 328 nghị quyết được ban hành, trong đó có 104 nghị quyết quy phạm pháp luật đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời quyết định nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp mang tính đặc thù địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho rằng, trong ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh khóa IX luôn chú trọng làm rõ khả năng đảm bảo nguồn lực ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách, lập đề nghị xây dựng nghị quyết (cả nguồn đầu tư và nguồn sự nghiệp); và yêu cầu nguồn vốn thực hiện các nghị quyết phải được cân đối, tính toán trong kế hoạch tài chính trung hạn hoặc từng năm nhằm thực hiện đúng quan điểm “chính sách phải đi liền với ngân sách”, đảm bảo hiệu lực và tính khả thi của các chính sách được ban hành. Đây là điểm khác biệt lớn so với những nhiệm kỳ trước.
“HĐND tỉnh cũng đã nghiên cứu xếp thứ tự ưu tiên trong ban hành chính sách, nội dung nào bức thiết thì ban hành trước. Việc huy động các nguồn lực của ngân sách cấp huyện, xã, các nguồn vốn xã hội hóa để giảm dần tính bao cấp của ngân sách cấp tỉnh cũng được quan tâm và thể hiện rõ với việc ban hành nhiều chính sách quy định cụ thể trách nhiệm đối ứng ngân sách của cấp huyện, cấp xã và cả đối tượng thụ hưởng. Với cách làm đó, khả năng cân đối nguồn lực thực hiện các nghị quyết cơ bản đảm bảo” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh nhìn nhận.
Để đảm bảo cho các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành được triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định, các hoạt động giám sát được HĐND tỉnh chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét, đánh giá về thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình giải quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác quản lý nhà nước, hoạt động tư pháp, việc chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Trong khi đó, ở giữa hai kỳ họp, hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban và Tổ đại biểu HĐND tỉnh được triển khai với nhiều phương thức đa dạng, linh hoạt, đi sâu vào các lĩnh vực trọng tâm, lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, nhân dân quan tâm.
Trong nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 đợt giám sát chuyên đề; Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 5 đợt; các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 21 đợt và Tổ đại biểu tổ chức 2 đợt. Từ kết quả giám sát, khảo sát chuyên đề đã kịp thời phát hiện những bất cập và đề xuất nhiều biện pháp khắc phục, tháo gỡ, đảm bảo các chủ trương, chính sách được đưa vào cuộc sống. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề được tổng hợp trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để xử lý kết quả giám sát; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là đất đai, môi trường, đầu tư công…
“Ngay từ khâu triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát liên quan trong đó có Đoàn ĐBQH tỉnh nhằm chọn lọc nội dung, đối tượng giám sát phù hợp, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được giám sát. Những vấn đề gì kiến nghị thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì đại biểu HĐND tiếp thu, điều chỉnh; vấn đề lớn thuộc Trung ương thì ĐBQH tỉnh tiếp thu, kiến nghị Trung ương” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh chia sẻ.