Trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam xung quanh vai trò, hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua và định hướng cho tương lai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ:
Trong chặng đường hơn 70 năm hình thành và phát triển, nhất là từ sau ngày tái lập tỉnh, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn từng bước được hoàn thiện, phát huy vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân, làm “cầu nối” giữa Đảng với dân. Hiện nay, có các chủ thể khác nhau tham gia giám sát hoạt động của chính quyền như MTTQ, đoàn thể chính trị, giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, giám sát của HĐND có đặc điểm khác biệt, đó là giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Đây là chức năng được hiến định xuất phát từ địa vị chính trị, pháp lý của HĐND.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh chủ trì buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tại huyện Nam Trà My.Ảnh: N.Đ |
Xây dựng chính quyền vững mạnh
Phóng viên:Trong các hoạt động của HĐND, chức năng giám sát mang ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND các cấp không chỉ tạo ra sự thống nhất cao trong xây dựng, áp dụng pháp luật ở địa phương; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; giúp HĐND có thông tin, căn cứ khoa học, thực tiễn để ban hành nghị quyết phù hợp với yêu cầu thực tế… mà còn đảm bảo cho HĐND thật sự là cơ quan đại diện của nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bởi, thông qua công tác giám sát của HĐND, hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tính cục bộ địa phương, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Đây chính là điều kiện bảo đảm vững chắc cho quyền lực của nhân dân được thực hiện trong thực tế.
Phóng viên: Như ông đã nói, hoạt động của cơ quan nhà nước được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ HĐND. Điều này góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Chức năng giám sát của HĐND thể hiện ở các phương thức khác nhau. Với các hoạt động giám sát như: xem xét báo cáo, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm, thành lập đoàn giám sát, khảo sát thực tế, ban hành các kết luận, kiến nghị đối với đối tượng chịu sự giám sát... sẽ giúp phát hiện kịp thời những yếu kém, khiếm khuyết trong hoạt động của các cơ quan chịu sự giám sát. Từ đó, kiến nghị những biện pháp khắc phục một cách có hiệu quả, để các đối tượng chịu sự giám sát làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, thông qua việc chọn lọc và tiến hành giám sát các vấn đề người dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, kết quả giám sát sẽ giúp chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, thậm chí là sai phạm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, người có thẩm quyền, để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, xử lý sai phạm.
Ở đây, chúng ta cần lưu ý, giám sát không chỉ để phát hiện những tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách, mà quan trọng hơn là phát hiện kịp thời những điểm chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội của các quy định pháp luật, qua đó kiến nghị biện pháp khắc phục. Do đó, kết quả trong giám sát việc thi hành văn bản pháp luật là nguồn thông tin quan trọng, cung cấp cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia làm công tác xây dựng pháp luật trong quá trình soạn thảo ở các khâu nhằm ban hành chính sách hợp lý, khả thi. Khi mà chính quyền có khả năng hoạch định và thực thi các chính sách phù hợp, tạo động lực cho sự phát triển, đó mới là chính quyền vững mạnh.
Có năng lực mới có thực quyền
Phóng viên: Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, hoạt động của HĐND ở một số nơi còn mang tính hình thức, cầm chừng, thiếu hiệu lực, hiệu quả?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Đó là một thực tế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và chúng ta không thể phủ nhận. Trong điều kiện hiện nay, bất kỳ HĐND ở cấp nào, nếu không đổi mới, cải tiến về nội dung, phương thức hoạt động, củng cố tổ chức sẽ khó tránh khỏi hoạt động mang tính hình thức, cầm chừng. Cũng phải nhìn nhận một điều rằng, nội dung hoạt động và công tác giám sát của HĐND rất phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, trong khi số đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, đại biểu HĐND vẫn còn nặng tính cơ cấu nên hầu hết chỉ có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định. Ngoài ra, cấp ủy đảng ở một vài nơi, đặc biệt là cấp xã vẫn còn tình trạng “phó mặc” cho HĐND làm đến đâu hay đến đó, khiến HĐND không phát huy được vai trò… Chính các yếu tố đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của HĐND.
Phóng viên:Xin ông cho biết, phải làm gì để hoạt động của HĐND hiệu quả, xứng đáng với vai trò đại diện quyền làm chủ của nhân dân?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Việc thực hiện quyền lực của HĐND phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố trong cơ cấu tổ chức, cơ chế thực thi quyền lực của HĐND, đó là: đại biểu HĐND, các ban HĐND, thường trực HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc… HĐND muốn thực hiện được quyền lực đó, trước hết phải có năng lực nội tại của mình. Nói cách khác, chỉ khi nào HĐND có đủ năng lực thực hiện quyền lực thì khi đó mới có thực quyền. Hoạt động của HĐND có mang nặng tính hình thức hay không phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố này. Muốn HĐND có thực quyền phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực của các yếu tố trong cơ cấu tổ chức. Theo đó, phải lựa chọn những đại biểu có năng lực, uy tín, có tâm huyết với hoạt động HĐND. Các ban của HĐND, thường trực HĐND các cấp cũng phải được tổ chức theo đúng tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương; kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc HĐND các cấp, nhất là đối với cấp xã.
So với các nhiệm kỳ trước, hiện nay hành lang pháp lý đảm bảo cho hoạt động của HĐND đã được hoàn thiện, điều cần làm là phải nhận thức và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật đó ở cả phía chủ thể giám sát và đối tượng giám sát.
VINH ANH