Học dân ca làm du lịch

THÂN VĨNH LỘC 30/12/2015 09:22

Một khóa dạy hát dân ca cho người dân làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) vừa kết thúc sau 5 tháng miệt mài luyện tập đã mang đến nhiều ý nghĩa, nhất là khi làng sắp triển khai các hoạt động du lịch cộng đồng.

Tái hiện hoạt cảnh hò khoan đối đáp trên sông.
Tái hiện hoạt cảnh hò khoan đối đáp trên sông.

Hiểu hơn về nghệ thuật dân gian

Lớp học thu hút sự tham gia của gần 20 phụ nữ trong làng. Họ đến với lớp học này chỉ suy nghĩ đơn giản là học để biết và hiểu hơn dân ca xứ Quảng, để có thể biểu diễn và thuyết trình cho khách du lịch khi đến tham quan làng. Trong khoảng thời gian 5 tháng, lớp học đã được các diễn viên và cộng tác viên của Trung tâm VH-TT thị xã Điện Bàn hướng dẫn theo một chương trình từ đơn giản đến phức tạp như gõ phách, gõ đạo cụ, ráp nhạc đến tập hô bài chòi, hát sắc bùa, hò khoan đối đáp trên ghe… Tham gia lớp học, các làn điệu dân ca cơ bản xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò quảng đã được các bà, các chị nắm bắt và trình diễn thuần thục. Bà Ngô Thị Hoa - thành viên lớp học cho hay, lớp học tổ chức mỗi tuần 4 buổi, tùy thời gian sắp xếp mà có thể diễn ra buổi sáng, trưa, hay chiều tối. Không gian luyện tập có khi là hội trường nhà văn hóa thôn hoặc khu vườn của một học viên nào đó, hoặc cả lớp ra bờ sông hay xuống thuyền tập hò khoan đối đáp. Cách học này vừa thuận tiện cho việc luyện tập lại dễ trao đổi chia sẻ lẫn nhau nên ai cũng vui vẻ thích thú. “Từ trước đến nay chỉ hát karaoke chứ có biết dân ca là gì. Nếu ai đó hát được cũng theo kiểu ngẫu hứng chứ làm chi hiểu kỹ thuật lên xuống giọng. Bây giờ được luyện tập bài bản nên ai cũng vui” - bà Hoa nói.

Trong số gần 20 học viên của lớp, người lớn tuổi nhất đã hơn 50, người trẻ  nhất cũng sắp đến 30 tuổi, nhưng ai cũng nhiệt tình theo đuổi loại hình âm nhạc này. Thậm chí có gia đình như bà Lê Thị Than, cả hai mẹ con cùng tham gia. Trong đó, cô con gái Đỗ Thị Thiện Chơn dù đang nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi nhưng đến buổi vẫn mang con theo đến lớp luyện tập. Cậu bé trở thành “khán giả” thường xuyên của lớp để nghe mẹ và các cô, các bà hát ru bằng những bài dân ca xứ sở. Trong buổi trình diễn bế giảng, người xem đã thật sự thích thú khi nghe các “diễn viên” chân đất trình diễn những làn điệu dân ca xứ Quảng mượt mà sâu lắng hay những câu hô hát bài chòi vui nhộn. Dù vẫn còn những ngượng nghịu khi lần đầu biểu diễn trước đám đông nhưng sự nhiệt tình của những phụ nữ chân quê vẫn mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. “Từ lúc học đến giờ chị em hát phục vụ khách 2 lần và được trả mỗi người 100 nghìn đồng. Ngoài ra, mỗi khi trong làng có sự kiện gì chúng tôi lại hát dân ca, vui lắm vì ai cũng có thể tự tin hát hò. Với chúng tôi như vậy là mãn nguyện rồi” - bà Nguyễn Thị  Sơn, một học viên lớp dân ca nói.

Phục vụ du lịch

Theo bà Phan Thị Thái Hoa - Tổ trưởng tổ thông tin xúc tiến du lịch Điện Bàn, lớp học là một trong những hoạt động thuộc dự án Phát triển du lịch cộng đồng tại làng Triêm Tây do các tổ chức UNESCO và ILO hỗ trợ. Chương trình nhằm gìn giữ, lưu truyền và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Quảng Nam và Điện Bàn hướng đến phục vụ du khách. Đến nay, qua 5 tháng học tập, học viên đã cơ bản nắm vững kỹ thuật, nhất là biết lắng nghe và phân biệt được giai điệu của từng làn điệu, đập phách, biết cách hát, trình diễn, thể hiện tình cảm theo từng ca từ trong bài hát. Bên cạnh việc học tại lớp, học viên cũng đã có những thực nghiệm với du khách như hò khoan đối đáp trên sông, thể hiện những tiết mục dân ca chào khách, tổ chức hô hát bài chòi mời khách tham gia…, được du khách hài lòng và đánh giá cao. Ông Trần Khánh - giảng viên trực tiếp hướng dẫn lớp học viên nhìn nhận, đây là lớp học rất độc đáo khi hầu hết học viên chưa từng có ý niệm về dân ca, họ đến chỉ với lòng đam mê. Và chính niềm đam mê đó đã thêm sức mạnh, sự kiên trì cho người hướng dẫn, bởi việc truyền tải tốn rất nhiều công sức. “Hát dân ca bài chòi trước hết phải nắm chắc 4 làn điệu cơ bản, ngoài ra đòi hỏi phải hát đúng nhịp phách. Dạy lớp học này khó mà dễ, vì các chị chưa bị lai tạp. Đến nay các chị đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn “khớp” và ngại ngùng khi trình diễn trước đám đông” - ông Khánh nói.

Học viên lớp dân ca “thực hành” biểu diễn phục vụ nhân tổng kết cuộc thi hàng rào xanh tại Triêm Tây. Ảnh: V.L
Học viên lớp dân ca “thực hành” biểu diễn phục vụ nhân tổng kết cuộc thi hàng rào xanh tại Triêm Tây. Ảnh: V.L

Bà Phan Thị Thái Hoa cho rằng, việc phát triển đội văn nghệ hát dân ca Triêm Tây đã giúp bổ sung thêm một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vào các nhóm dịch vụ du lịch của làng, nâng tổng số nhóm dịch vụ trong dự án du lịch cộng đồng Triêm Tây lên 7 nhóm (gồm: ẩm thực, văn nghệ, làm vườn, chèo thuyền, làng nghề, lưu trú, hướng dẫn tham quan). Qua đó không chỉ hoàn thiện mô hình du lịch mà còn góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng. “Chúng tôi xác định việc phát triển du lịch ở Triêm Tây phải được xây dựng bởi sự tham gia đầy đủ và trách nhiệm của chính người dân, với chuỗi hoạt động đều gắn với các mục tiêu, xác định thông điệp cụ thể. Trong đó, các điểm thu hút du lịch chính là tài nguyên sinh thái, nhân văn của làng mà hô hát dân ca, bài chòi chính là một trong số những sản phẩm dịch vụ người dân có thể thực hiện được, nhằm khơi dậy các giá trị văn hóa bản địa với niềm tự hào của bà con về làng quê mình” - bà Hoa chia sẻ.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học dân ca làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO