Những câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, văn học, cờ vua, ghi ta... được lập ra trong trường học ở TP.Tam Kỳ bước đầu đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và phát huy năng lực của học sinh theo kiểu“học mà chơi, chơi mà học”.
Thành viên CLB tiếng Anh trường THCS Nguyễn Huệ giao lưu với khách nước ngoài tại Hội An. |
Mô hình đầu tiên
Có thể nói, CLB tiếng Anh của trường THCS Nguyễn Huệ là một trong những CLB trong trường học ra đời sớm nhất ở TP.Tam Kỳ. Cô Phan Thị Thanh Hoa - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh - Sử - Địa của nhà trường và là Phó Trưởng ban cố vấn CLB nhớ lại: “Từ lâu, tôi đã ấp ủ dự định thành lập CLB tiếng Anh để giúp các em có cơ hội phát huy năng lực, tự tin trong giao tiếp và gây hứng thú trong học tập nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Mãi đến giữa năm học 2011 - 2012, CLB tiếng Anh của nhà trường mới được thành lập. Rất mừng là CLB được phụ huynh và học sinh nhiệt tình hưởng ứng”. Ngay từ những ngày đầu thành lập, CLB đã hoạt động rất bài bản, hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 120 em tham gia (đều có đơn xin gia nhập CLB có xác nhận của phụ huynh); thành viên CLB được cấp thẻ có dán ảnh, có trang phục riêng, sinh hoạt mỗi tháng một lần. Mỗi kỳ sinh hoạt, thầy cô giáo chỉ giữ vai trò cố vấn; học sinh là người chủ động dẫn dắt, tổ chức chương trình. Phương Thảo (học sinh lớp 6), thành viên CLB tiếng Anh nói: “Em chỉ mong đến kỳ sinh hoạt để được chơi những trò yêu thích và giao tiếp thoải mái với thầy cô và các anh chị lớp lớn. Em cũng cố gắng học môn tiếng Anh thật giỏi để mỗi khi có dịp, có thể trò chuyện với nước ngoài”.
Ở cấp THPT có CLB ghi ta Lê Quý Đôn, gồm 25 thành viên, hoạt động khá tốt. Đến nay, CLB đã tổ chức được 12 chương trình văn nghệ kết hợp công tác xã hội. Qua đó, đã trao tặng gần 20 triệu đồng cùng nhiều phần quà cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Làng Hòa Bình và Mái ấm Hướng Dương. Ngoài ra, CLB còn tham gia biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa - thể thao do Trung tâm Văn hóa Tam Kỳ, các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức. Bảo Tâm (học sinh lớp 11) cho biết, tham gia CLB ghi ta đã giúp em thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, tự tin hơn khi đứng trước đám đông; các thành viên trong CLB cũng giúp đỡ nhau nhiều hơn trong học tập. Và quan trọng hơn, những buổi làm công tác xã hội của CLB giúp em biết sẻ chia với cộng đồng. Còn theo thầy Phan Thanh Nhuận - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, CLB ghi ta của nhà trường đã đóng góp tích cực cho các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, hoạt động khuyến học, từ thiện của nhà trường và tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa cho học sinh”. |
Để các buổi sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn, CLB tổ chức theo chủ điểm và luôn làm mới, thay đổi hình thức sinh hoạt như: thuyết trình, giao lưu, giải ô chữ, hùng biện, rung chuông vàng... giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, thoải mái. Đặc biệt, hoạt động này còn được nhà trường động viên bằng một “giải thưởng” thú vị: Những học sinh có thành tích tốt môn tiếng Anh, cuối năm học sẽ được đi dã ngoại thực tập tiếng Anh tại Hội An - nơi có nhiều du khách nước ngoài. “Đây cũng là dịp rất tốt để các em nâng cao kỹ năng giao tiếp và là cách học tích cực” - cô Thanh Hoa nói. Mới đây, CLB tiếng Anh trường THCS Nguyễn Huệ còn nhận được một phần thưởng thú vị khác: được các thầy cô là chuyên viên môn tiếng Anh Sở GDĐT, lãnh đạo phòng GDĐT Tam Kỳ đến thăm và đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động CLB và cho rằng, đây là một mô hình mẫu để các trường học trên địa bàn tỉnh học tập, nhân rộng.
Nhân rộng
Trong khi đó, tại trường THCS Lý Tự Trọng, ngoài CLB tiếng Anh, trước đó các CLB ngữ văn, cờ vua đã được thành lập. Trong đó, CLB ngữ văn tập hợp được nhiều cây bút yêu thơ, văn và tạo điều kiện cho các em sinh hoạt, giao lưu. Do đặc thù, CLB này không sinh hoạt định kỳ mà chủ yếu “lồng ghép” vào các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động nhân dịp lễ, ngày kỷ niệm như ngày Thơ Việt Nam (rằm tháng giêng), giải phóng quê hương, Quốc khánh, chào mừng năm học mới... Vào những dịp như thế, các em công bố tác phẩm mới với thầy cô và bè bạn; được giao lưu với các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Hội Văn học nghệ thuật TP.Tam Kỳ.
Hiện tại, trường THCS Lý Tự Trọng đang chuẩn bị cho ra đời thêm một số CLB, trước mắt là các CLB bơi lội, ghi ta, tin học... với khá đông học sinh đăng ký tham gia. Nhiều bậc phụ huynh cũng rất hài lòng và động viên con em mình tham gia sinh hoạt ở các CLB. “Xã hội bây giờ rất nhiều cám dỗ và nhiều trò chơi thiếu lành mạnh, nhất là game online, nên tôi rất mừng khi con thích thú tham gia các CLB của nhà trường” - phụ huynh Nguyễn Lê Thùy Dung nói. Còn thầy Nguyễn Tấn Sĩ - Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Mỗi học sinh có năng khiếu, sở trường khác nhau nên nhà trường khuyến khích mỗi tổ chuyên môn thành lập một CLB để tạo sân chơi lành mạnh cho các em”.
Từ những “phát pháo đầu” ở các trường THCS Nguyễn Huệ và Lý Tự Trọng, đến nay mô hình CLB học đường ở Tam Kỳ đã được nhân lên. Hiện tại, nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố như Nguyễn Du, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng... và ngay cả một số trường tiểu học như Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thị Hồng Gấm... cũng đã tổ chức ra mắt CLB tiếng Anh.
PHAN LÊ CHÂU NỮ