“Học Sử không chỉ là đam mê mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm” - đó là chia sẻ của các tân khủ khoa khối C Đại học Huế năm nay: Phạm Thị Hằng Linh (Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc) và Huỳnh Văn Khôi (Trường THPT Núi Thành).
Phạm Thị Hằng Linh và Huỳnh Văn Khôi chia sẻ, đam mê học Sử là một cách để khơi dậy lòng tự hào dân tộc. |
Từ khi “bén duyên” với môn Sử, Phạm Thị Hằng Linh (trú khu 1, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) luôn dành tình cảm đặc biệt với môn học này. Tính đến thời điểm hiện tại, 9,5 là điểm số cao nhất cả nước ở môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, và Linh là một trong số ít học sinh đạt được điểm số đó. Đỗ thủ khoa ngành báo chí (Trường Đại học Khoa học Huế) với 26 điểm (Địa: 9; Sử: 9,5; Văn: 7,5), chia sẻ về tầm quan trọng của môn học này, Linh nói: “Xu hướng của giới trẻ bây giờ là chỉ chăm chăm nhìn về phía trước với những môn học tự nhiên chứ chưa bao giờ lắng lòng nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Các bạn học môn này một cách rập khuôn, bị động nên mất đi kiến thức căn bản”.
Đồng thủ khoa khối C của Đại học Huế, Huỳnh Văn Khôi (thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) cũng có thành tích học môn Sử đáng nể, khi điểm trung bình môn học ở năm lớp 12 là 9,5. Kết quả các môn thi vào ngành sư phạm văn, Trường Đại học Sư phạm Huế (Địa: 9,5; Sử: 9,25; Văn: 7) càng khẳng định cho niềm đam mê các môn học xã hội của cậu học trò này, đặc biệt là môn Sử. Khôi nói: “Bản thân mình thích học môn Sử bắt nguồn từ tình yêu quê hương, làng xóm từ khi còn là trẻ con. Học Sử là học làm người từ những lời dạy của các bậc tiền nhân, từ những mốc son quá khứ vẻ vang cha ông ta”. Các tân thủ khoa chia sẻ, để học tốt môn này cũng như có thể nhớ vanh vách những con số, mốc son, niên đại, triều đại…, phải biết sắp xếp, ghi nhớ một cách khoa học thông qua sổ tay hoặc thường xuyên so sánh, đối chiếu các sự kiện.
Từng giành giải Ba môn Sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12, đồng thời là học sinh có điểm thi khối C cao nhất trong đợt thi thử đại học do Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ tổ chức, Hằng Linh cho biết, ngoài kiến thức trong sách, bản thân phải thường xuyên theo dõi tin tức, thời sự để vận dụng vào trong bài làm của mình. Còn với Huỳnh Văn Khôi, sau những bài giảng trên lớp, cậu học trò này gặp gỡ và nói chuyện với các thương bệnh binh ở địa phương để cảm nhận những chặng đường lịch sử của quê hương đất nước. “Những câu chuyện dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để chúng ta tự hào và càng khiến mình yêu hơn môn học này” - Khôi chia sẻ. Cũng như Hằng Linh, Khôi tâm đắc với câu hỏi về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực ở đề thi đại học năm nay. “Đây là câu hỏi mở để thí sinh - thế hệ trẻ của đất nước có thể trình bày quan điểm của mình về vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Học Sử, không chỉ là đam mê mà còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với dân tộc, và điều này đang ngày càng mất dần đi bởi sự hời hợt của người trẻ bây giờ” - Khôi nói.
VĂN HÀO