Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam diễn ra từ 21 - 26.6 tại các địa phương trong tỉnh. Lần này, Quảng Nam sẽ giới thiệu với người dân và các đoàn tham gia 2 tiết mục đậm bản sắc Quảng.
Các diễn viên tập luyện trong tiết mục Học trò xứ Quảng.Ảnh: Xuân Hiền |
Lấy tứ từ câu thơ “Học trò xứ Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không đành”, Đoàn nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa tỉnh dàn dựng tiết mục múa với tên gọi “Học trò xứ Quảng”, những mong giới thiệu đến người xem một vùng đất hiếu học, giàu văn hóa. Lấy bối cảnh thời xưa tại Phú Xuân (kinh thành Huế), với nhân vật là 5 sĩ tử Quảng Nam ra Huế ứng thí. Vở diễn chia làm 4 phân đoạn, từ khi “Lai kinh ứng thí” đến lúc gặp “Giai nhân kinh kỳ”, rồi tới đoạn vào “Trường thi” và kết thúc là hình ảnh “Ngũ phụng tề phi” đầy trang trọng. Chị Võ Thị Thu Mây, Trưởng đoàn Quảng Nam tham gia liên hoan lần này chia sẻ, hình tượng Ngũ phụng tề phi đã được dân gian truyền tụng, ngợi ca, cũng là một trong những hình tượng đắt giá của đất Quảng Nam. “Dựng lên vở diễn này để ra mắt tại liên hoan cũng chính là giới thiệu đến đông đảo người xem một hình ảnh thật đẹp về “đạo học” của người dân xứ Quảng”, chị Thu Mây cho biết. Phát triển trên nền các làn điệu dân ca Quảng Nam, ‘Học trò xứ Quảng” thể hiện khá đầy đủ bản lĩnh và tinh thần của người dân xứ Quảng. Năm chàng sĩ tử trên đường “lai kinh ứng thí” với những vất vả suốt chặng đường dài từ xứ Quảng đến kinh thành. Có những đoạn họ phải dìu nhau, cõng nhau vì mệt mỏi, ốm đau nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc. Quyết tâm đỗ đạt của 5 sĩ tử được thể hiện bằng làm điệu dân ca khu V ngọt ngào nhưng cũng không kém phần hùng tráng, quyết liệt.
Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam sẽ khai mạc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào tối 21.6 và kết thúc vào đêm 26.6. Liên hoan lần này quy tụ 16 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 16 tỉnh thành trong nước. Trong thời gian diễn ra liên hoan, các đoàn sẽ lưu diễn tại 10 điểm – là các địa phương trong tỉnh. Mỗi điểm diễn sẽ có 3 đoàn tham gia. |
Hình tượng những cô gái Huế váy áo lộng lẫy cộng với hình ảnh “trường thi” được tái hiện bằng hình ảnh một chiếc trống lớn và 5 án thư, lính lệ… phần nào gợi nhắc lại không khí của một kinh thành Phú Xuân xưa. Đoạn kết, 5 sĩ tử xuất hiện với áo thụng xanh thêu phượng, đội mũ “cánh chuồn” với dáng dấp của những quan tân khoa đầy vẻ vang. Đây cũng là sự kết thúc đầy tính nhân văn cho tinh thần hiếu học “dùi mài kinh sử” của người dân Quảng Nam.
Tiết mục thứ 2 đoàn Quảng Nam sẽ diễn trong đêm khai mạc là vở hát múa “Quảng Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Hoàng Bích. Bắt nguồn từ âm nhạc dân gian pha trộn với hơi thở hiện đại, vừa thẳm sâu da diết, lại vừa nồng nàn khát cháy, một đồng quê giàu hình tượng, đầy cảm xúc đã được thể hiện rõ nét trong ca khúc này. Nhạc sĩ Hoàng Bích chia sẻ, từ ý tưởng một vùng đất có nhiều địa danh về văn hóa lịch sử cách mạng, truyền thống đấu tranh… và đã được phản ánh nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật. “Tuy nhiên, một tác phẩm khái quát Quảng Nam ở nhiều góc nhìn theo cách nghĩ của tôi thì vẫn chưa thấy. Vậy nên ca khúc này như một sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, giữa truyền thống xưa và cuộc sống nay… Khi ca lên, người nghe sẽ biết ngay đó là ca khúc của người Quảng Nam viết về Quảng Nam” - nhạc sĩ Hoàng Bích chia sẻ. Giai điệu bài hát dựa trên nền điệu hò khoan của đất miền Trung, do vậy dễ đi vào lòng người. Ca từ mộc mạc nhưng chứa đầy cảm xúc, kiểu như “Tìm lại dấu chân son ta về suối nguồn năm trước. Về vùng đất địa linh ta về giữa bao ân tình…”.
LÊ QUÂN