Chứng chỉ đào tạo lớp Kỹ thuật viên vừa được trao cho 36 học viên hôm 1.6, cũng là nhóm đầu tiên được đào tạo chuyên sâu về ngành bảo tồn với sự hỗ trợ và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ VH-TT&DL, các chuyên gia của Quỹ Lerici và Trường Đại học Bách khoa Milan (Ý) giảng dạy, nhằm ứng dụng việc trùng tu vào thực tiễn hiệu quả.
Các học viên lớp Kỹ thuật viên tham gia học thực hành tại Mỹ Sơn. Ảnh: X.HIỀN |
Học trùng tu bài bản
Giáo sư Mauro Cucarzi, Giám đốc Quỹ Lerici - đơn vị chịu trách nhiệm chính về giảng dạy cho nhóm học viên của dự án, chia sẻ, họ hoàn toàn có quyền tin tưởng về một thế hệ bảo tồn di tích kế cận tại Việt Nam, tiệm cận với quan điểm cũng như cách thức trùng tu của người Ý. Với 4 chủ đề chính phải đạt được trong khóa học là công nghệ khảo cổ học, trùng tu kiến trúc, quản lý, trùng tu hiện vật khảo cổ, ông Mauro Cucarzi cho biết, các chuyên gia và học viên đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra khi khai giảng khóa học. Từ 4 chủ đề chính như vậy, 36 học viên của lớp đầu tiên trong dự án đã chia thành 4 nhóm học, gồm nhóm khảo cổ học, nhóm trùng tu kiến trúc, nhóm trùng tu hiện vật khảo cổ và nhóm quản lý. Giáo sư Mauro Cucarzi cho hay: “Trong lĩnh vực trùng tu kiến trúc, các nhóm học viên đã tham gia dự thảo dự án trùng tu tháp G4 tại Khu di tích Mỹ Sơn. Việc khảo sát địa hình, địa lý, làm sạch khảo cổ đã được học viên thực hiện. Chương trình trùng tu hiện vật khảo cổ được thực hiện thông qua các bài tập thực hành với sự hướng dẫn sáng tạo của chuyên gia Giulia Barella. Đặc biệt, lĩnh vực quản lý không gặp bất kỳ trở ngại nào. Chúng tôi tập trung vào việc chia sẻ cách thức vận hành phần mềm quản lý di tích Site Manager Data Base, thiết thực trong việc quản lý di tích do Quỹ Lerici thiết lập. Phần mềm này đã được chúng tôi sao chép cho Ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn và các học viên đến từ những tỉnh thành khác”.
Dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa” có tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Italia, vốn không hoàn lại của Trường Đại học Bách khoa Milan và vốn đối ứng Việt Nam do UBND Quảng Nam bố trí, khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 11.2017, bế giảng khóa 1 vào ngày 1.6.2018. |
Anh Hải Văn Thành, đến từ Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận, học viên của dự án, cho biết, ban đầu 4 nhóm được học chung để có cái nhìn tổng quan, sau đó mỗi nhóm được tiếp xúc với các vấn đề riêng. Đặc biệt, tất cả học viên đều được học về di tích, đọc các vấn đề hư hại, các vấn đề về trưng bày bảo tàng và trùng tu hiện vật. “Người Ý làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, dường như họ vừa làm vừa nghiên cứu, hạn chế tối thiểu sự can thiệp của con người tới di tích. Như đối với nhóm tháp G của Mỹ Sơn, họ vẽ lại từng viên gạch, đánh dấu, quan sát hiện trường liên quan. Họ đưa ra tiêu chuẩn chung của việc bảo tồn, trùng tu di tích, trong đó, lưu ý có những việc nên làm và không nên làm” - anh Thành cho biết. Đặc biệt, với cá nhân anh Thành - một người con đang mang trong mình dòng máu Chăm thì việc có cơ hội nắm bắt kiến thức trùng tu càng thêm phần ý nghĩa. Anh Thành chia sẻ: “Hai tháp Chăm Hòa Lai và Pô Klong Garai ở Ninh Thuận vừa đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt năm ngoái. Khi tham gia lớp học, tôi tin rằng dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia hàng đầu thế giới, tất cả học viên sẽ được trang bị kỹ thuật trùng tu để về phục vụ công tác gìn giữ giá trị di sản vô giá mà người Chăm đã xây dựng ở khắp các địa phương duyên hải miền Trung”.
Mang về địa phương ứng dụng
Việc học viên được cùng các chuyên gia Ý học thực địa tại Mỹ Sơn trở thành cơ hội lớn trong sự nghiệp của họ. Tuy vẫn chưa có cơ hội trực tiếp thực hiện công tác trùng tu, nhưng các kiến thức “bản lề” như vậy đã giúp họ có một vốn liếng dày dặn mang về ứng dụng tại địa phương. “Điều hết sức quan trọng trước khi can thiệp vào trùng tu là phải am hiểu về di tích. Năm 2006, tôi đã đặt chân đến đây và tham gia tư vấn trùng tu 2 tháp G1, G2. Việc di tích có thể sống mãi theo thời gian hay không, phụ thuộc rất lớn vào thái độ của con người trong cách trùng tu” - chuyên gia Roberta - cố vấn trưởng dự án, người luôn lo sợ việc “động tay động chân” vào Mỹ Sơn sẽ khiến di tích này tổn thương, chia sẻ.
Ứng dụng kiến thức sao cho phù hợp vào các di tích tại địa phương luôn được các học viên quan tâm. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy - cán bộ Bảo tàng thị xã Điện Bàn, cho biết, các chuyên gia hướng dẫn và giảng dạy rất tỉ mỉ. Phải mất đến 4 ngày thường trực, nhóm của chị thực hành xong việc sử dụng công nghệ GIS để vẽ bản đồ, lập cơ sở dữ liệu tháp D1. “Với những gì đã tiếp thu, tôi dự định sẽ mang kiến thức về áp dụng tại tháp Bằng An. Đây cũng là một ngôi tháp cổ của người Chăm duy nhất còn sót lại ở Điện Bàn” - chị Thủy chia sẻ.
Ở một góc độ khác, chị Phạm Thị Lành - cán bộ Bảo tàng Quảng Nam, cho biết, khóa học 6 tháng đã giúp chị nhận biết những khác biệt cũng như sai lầm trong công tác trùng tu, bảo quản di tích và hiện vật trùng tu lâu nay tại địa phương. “Nhiều di tích của mình khi trùng tu thường xảy ra tình trạng thay đổi các yếu tố ban đầu, có khi đập lại xây mới hoặc sử dụng các vật liệu mới, không tương thích với vật liệu cũ. Ví dụ như nhiều công trình gỗ, gạch khi trùng tu lại thêm xi-măng, hoặc nhiều di tích bị mất hết các đường nét của kiến trúc cũ sau khi được trùng tu” - chị Lành nói. Trong khi đó, các chuyên gia Ý khuyến cáo, việc trùng tu di tích nên tránh sử dụng nguyên liệu hủy hoại công trình kiến trúc cũ, chưa kể nên tái sử dụng công trình kiến trúc và bảo vệ công trình khỏi nước, những công trình nào không cần sơn thì không nên sơn, không sử dụng xi-măng cho công trình kiến trúc có nguyên vật liệu tự nhiên…
Hiện 36 học viên tham gia lớp học thứ nhất của dự án đã được cấp Chứng chỉ Kỹ thuật viên nghề trùng tu và bảo tồn di tích từ Trường Đại học Bách khoa Milan (Ý). Ông Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam, Trưởng ban Quản lý dự án, cho biết, sau khi hoàn thành các thủ tục cấp bằng cho học viên lớp thứ nhất, dự án sẽ triển khai kế hoạch tuyển sinh và đào tạo lớp thứ 2 cho công nhân kỹ thuật và tiếp tục đào tạo lớp kỹ thuật viên, giảng viên cho khóa 2.
XUÂN HIỀN