Ngay từ thuở lọt lòng, mỗi người đều đã được tiếp cận với văn chương qua lời ru của bà, của mẹ, qua những câu chuyện kể của cha. Thậm chí giờ đây, khi mà “thai giáo” - phương pháp giáo dục từ trong bào thai, đang được người nhiều lưu tâm thì những bậc làm cha làm mẹ đã có thể giáo dục và gửi gắm yêu thương của mình cho con ngay cả khi còn trong bào thai thông qua những cuộc trò chuyện hay những thủ thỉ, tâm tình với thai nhi. Tình yêu văn chương bắt nguồn và được khơi gợi từ đấy chăng?
Để có tình yêu với văn chương và học tốt môn văn, ngoài các yếu tố năng khiếu bẩm sinh, sự khổ luyện, niềm đam mê thì còn phải có sự tác động bởi môi trường, hoàn cảnh sống. Và thường là, mọi việc phải bắt đầu từ rất sớm, từ thuở còn thơ. Tất nhiên, học văn từ nhỏ để không chỉ để trở thành học sinh giỏi văn hay trở thành nhà văn sau này. Mà nói như nhà văn M.Goocki: “Văn học là nhân học”. Học văn chính là một cách học làm người vậy.
Cố nhà văn Anh Đức từng nói, muốn học văn tốt, phải biết giá trị mạnh mẽ của môn văn. Cho dù xã hội và đất nước phát triển đến đâu thì môn văn vẫn tồn tại với vị trí bền vững vốn có của nó, với sứ mệnh dìu dắt và nâng cao phẩm chất và phẩm giá con người. Theo nhà văn Anh Đức, không có cách gì học văn, làm văn tốt bằng đồng cảm với cuộc sống, ngay từ khi còn nhỏ. Còn nhà văn Cao Duy Thảo thì cho rằng, niềm say mê văn học của ông bắt nguồn từ những câu chuyện kể dân dã lưu truyền qua những người dân quê lấm láp bùn đất. Sau lời kể “Ngày xửa ngày xưa”... của bà, tất cả bỗng trở nên huyền diệu với Cao Duy Thảo: cô Tấm lặng lẽ bước ra từ quả thị, con chim phượng hoàng biết nói tiếng người, người đàn bà chờ chồng hóa đá... Cứ như thế, trí tưởng tượng của ông được thêu dệt, đầu óc được kích thích từ những câu chuyện như vậy. Trong khi đó, với nhà thơ Hoàng Trung Thông, ca dao, tục ngữ là nguồn nuôi sống tâm hồn ông, một nguồn không bao giờ cạn và giúp ông sau này sáng tác văn học. “Có yêu văn học mới chịu khó hiểu văn học nhưng cũng phải hiểu văn học mới yêu văn học được” - lời nhà thơ Hoàng Trung Thông. Với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, những cuốn sách ông đã đọc hồi bé đã giữ vị trí đặc biệt trong thế giới tuổi thơ ông. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, những cuốn sách tốt luôn luôn là ngọn gió góp lại từ bốn phương, để đem gieo vào tâm hồn người đọc trẻ tuổi của chúng những “mầm mống văn học”, những hạt giống quý không chờ đợi. Cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng giống như Lep Tônxtôi cường điệu: “Tất cả những gì mà đứa trẻ có sau này khi trưởng thành đều thu nhận được trong thời thơ ấu”. Với nhà thơ Thanh Thảo, mỗi quyển sách là một người bạn tốt, thầm lặng, không phản bội. Còn nhà văn Vũ Tú Nam, học văn không chỉ trong nhà trường, qua sách vở mà còn học ở ngoài đời, ở thế giới tự nhiên. Ông cho rằng, học văn không phải để lấy tiếng, để khoe chữ, hoặc để tạo nên một số ít “gà nòi”. Văn học chân chính tối kỵ sự giả dối, thói phô trương hình thức, sự sáo mòn và lạnh nhạt thờ ơ. Đáng chú ý, nhà văn Tô Hoài đến với văn chương bằng con đường tự học. 16 tuổi ông đã thôi học để đi làm kiếm sống mà sự nghiệp văn chương của ông trở nên đồ sộ. Ông kể, ấy là nhờ những câu chuyện kể của bà ngoại khi còn nhỏ và từ cái rương sách đồ sộ của bố ông, ông đọc từ thuở bé. Cũng vậy, nhà văn Phùng Quán, khi viết “Vượt Côn Đảo” thì trình độ văn hóa “hãy còn dở lắm”, bản thảo của ông đầy lỗi chính tả. Trong tập hồi ức “Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào”, nhà văn Phùng Quán thừa nhận: “Tôi không ngờ việc viết văn lại nhọc nhằn đến như vậy!”.
Kinh nghiệm học văn của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam thì đa dạng, nhưng với đa số họ, có thể thấy, niềm đam mê văn học thường bắt nguồn từ thuở còn thơ, từ những lời ru, từ những trang sách.
CHÂU NỮ
Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Hồi nhỏ các nhà văn học văn”, Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1986.