Việc thu các nguồn quỹ trong dân ở Hội An năm 2013 rơi vào tình trạng mỗi xã phường mỗi kiểu, chưa có sự thống nhất, cần được chấn chỉnh kịp thời.
Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2013 các xã phường đã thực hiện 11 khoản thu trong dân với tổ́ng số tiền hơn 1,37 tỷ đồng. Đó là các khoản thu gồm: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo, người cao tuổi, hỗ trợ giáo dục, chữ thập đỏ, khuyến học, an ninh trật tự, đời sống văn hóa, cây xanh, chất độc da cam. Số khoản thu ở từng xã phường cũng không giống nhau. Địa phương có khoản thu cao nhất là phường Cửa Đại (7 khoản), ít nhất là xã Cẩm Kim (2 khoản).
Lãnh đạo các xã, phường cho biết, ngoài các khoản thu mà UBND thành phố giao, căn cứ nhu cầu hoạt động về văn hóa – xã hội tại địa bàn, các địa phương đã vận động thêm một số khoản thu khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức hoạt động. Các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, khó khăn... được điều tra, thống kê ngay từ đầu năm để được miễn giảm, còn lại được địa phương tính toán, phân bổ chỉ tiêu và quy định mức thu từng khoản cho mỗi gia đình. Thế nhưng việc thống nhất chủ trương về các khoản thu ở từng địa phương có khác nhau. Chẳng hạn ở phường Cẩm Nam, sau khi trình Đảng ủy và Thường trực HĐND phường xem xét, thống nhất các khoản thu và mức thu, UBND phường phát hành thư ngỏ đến từng hộ với mức vận động 100 nghìn đồng/hộ/năm gồm 6 khoản, đồng thời niêm yết tại nhà văn hóa các khối phố và triển khai tại các cuộc họp khu dân cư. Còn ở phường Cẩm Phô, trên cơ sở thống nhất chủ trương của Đảng ủy và Nghị quyết của Đảng bộ, UBND phường tổ chức hội nghị quân dân chính để thống nhất các khoản thu, đối tượng thu, sau đó các khối phố họp triển khai quán triệt trong dân. Tại kỳ họp HĐND phường đầu năm, UBND đã trình HĐND ban hành Nghị quyết về tổng 5 khoản thu là 80 nghìn đồng/hộ/năm. Căn cứ nghị quyết này, UBND phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường ra thông báo liên tịch gửi đến từng hộ dân, đồng thời niêm yết tại nhà văn hóa các khối phố...
Nhìn chung, công tác quản lý thu chi tại các địa phương khá chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực nhưng chưa có sự thống nhất chung. Không chỉ có sự “muôn hình muôn vẻ” về khoản thu, mức thu, hình thức, phương án chi mà diện đối tượng được miễn, giảm ở mỗi xã phường cũng mỗi kiểu khác nhau. Đối với một số gia đình có cán bộ, công chức còn xảy ra tình trạng vừa đóng góp ở cơ quan, đơn vị nơi công tác lại vừa phải tham gia tại địa phương cư trú. Ông Phan Ngọc Nhơn Kiệt – Ủy viên Thường trực HĐND thành phố cho biết, việc các địa phương chủ động kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn là việc làm tích cực. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào đó để vận động cho đạt chỉ tiêu thì sẽ tạo tư tưởng ỷ lại trong nhân dân, đồng thời sẽ bỏ qua hoặc không vận động được sự đóng góp của số “cá biệt” chây ỳ, không thể đảm bảo công bằng giữa các hộ dân. Đối với các hộ nhiều năm liền không thực hiện nghĩa vụ đóng góp, các địa phương cũng chưa có kế hoạch, biện pháp kiên quyết để tạo chuyển biến.
Việc thu các nguồn quỹ trong dân nhằm huy động sức dân đóng góp cùng với Nhà nước chăm lo an sinh, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Vì vậy các cấp chính quyền cần tăng cường quản lý, đảm bảo nguyên tắc tài chính – kế toán được quy định theo luật. Trong cuộc họp tổng kết năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 vừa qua, ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu: “Khẩn trương chấn chỉnh tình trạng “loạn” thu trong dân như hiện tại. Mọi khoản thu đều phải đưa ra dân họp, bàn bạc công khai, rõ ràng. Chính quyền phải quản lý chặt, thống nhất cao trên toàn thành phố, đảm bảo thu chi đúng mục đích từng khoản thu đã được nhất trí ngay từ đầu năm mới”.
ĐỖ HUẤN