Sự tăng trưởng “nóng” về du lịch, trong khi hạ tầng công cộng và giao thông không bắt kịp, khiến TP.Hội An đối diện nhiều thách thức. Giao thông thường xuyên ùn ứ bởi lượng xe cộ quá lớn. Không gian công cộng cũng đã trở nên chật chội bởi mật độ kinh doanh, dịch vụ, đời sống của người dân và bất cập trước nhu cầu phát triển. Vì thế, Hội An đang triển khai xây dựng đề án quy hoạch để “thay áo mới” cho thành phố theo hướng sinh thái - văn hóa - du lịch.
Ngã tư Hai Bà Trưng - Trần Hưng Đạo thường xuyên có xe ôtô xe chở khách loại trên 25 chỗ ngồi lưu thông nên thường xảy ra ùn ứ. Ảnh: XUÂN THỌ |
"CHIẾC ÁO" CŨ
Trong vài năm trở lại đây, Hội An xuất hiện tình trạng kẹt, ùn ứ xe cộ và sự chật chội của không gian sống, phát triển. Nhiều người dân và du khách đã bắt đầu có cảm giác ngột ngạt khi ở Hội An.
Đau đầu với kẹt, ùn ứ xe cộ
Từ 15 giờ trở đi, lượng xe cộ lưu thông trên các tuyến đường ở Hội An trở nên đông đúc. Nguyên nhân là du khách từ các nơi, chủ yếu là từ TP.Đà Nẵng theo đường bộ vào tham quan phố cổ. Từ 16 giờ đến 19 giờ, nhiều tuyến đường mật độ phương tiện dày đặc, như những tuyến đường chạy song song với khu phố như Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…; chạy dọc nối với phố cổ như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hoàng Diệu…; đường Hùng Vương nối phố cổ với Thanh Hà, Cẩm Hà hay đi về thị xã Điện Bàn; đường Cửa Đại, đường Nguyễn Duy Hiệu từ biển Cửa Đại và cầu Cửa Đại lên phố cổ; đường Lý Thái Tổ và đường Hai Bà Trưng nối phố cổ đi làng rau Trà Quế, biển An Bàng; đường Lạc Long Quân (đường du lịch ven biển)… Lý do là bên cạnh lượng khách đổ về nhiều, thì đây cũng là thời điểm tan sở, tan ca, thay ca… Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Hội An, hiện nay lưu lượng tham gia giao thông vào trung tâm phố cổ Hội An tương đối lớn, trong khi mặt cắt ngang các tuyến đường nhỏ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch Từ ngày 7 đến 9.8, Hội đồng tuyển chọn quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tiến hành tuyển chọn các đồ án quy hoạch của nhiều đơn vị tư vấn trong, ngoài nước và đã chọn được 3 đồ án của 3 nhóm tư vấn. PGS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam (thành viên Hội đồng tuyển chọn) cho rằng, cả 3 nhóm tư vấn đã có sự dấn thân nghiên cứu, mỗi đồ án đều có sự sáng tạo, làm cho ý tưởng phát triển Hội An được nâng lên một bước. Cái chung nhất là cả 3 ý tưởng quy hoạch đều hướng tới bảo tồn những giá trị trường tồn của đô thị di sản và môi trường sinh thái Hội An. Dưới góc nhìn cá nhân, PGS. Đặng Văn Bài cho rằng quy hoạch hướng nào cũng phải nhất thiết tạo cho được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Còn Chủ tịch UBND TP.Hội An - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, sẽ tiếp tục chắt lọc từ các đồ án này để đi đến phương án quy hoạch Hội An phát triển bền vững trên nền thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. |
Xe cộ nhiều khiến cho các tuyến đường trên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, đôi lúc kẹt xe cục bộ, kẹt xe tức thời. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. “Xe cộ nhiều đã ồn, họ hay bóp còi inh ỏi nữa, khiến cho tôi lúc nào cũng nghe đau đầu vào mỗi chiều” - bà Phạm Thị Lan, nhà ở trên đường Trần Hưng Đạo - cho hay. Cảm giác chật chội nhất là ở tuyến đường Phan Châu Trinh vì đây là tuyến sát khu đô thị cổ nhất, trong khi đường nhỏ, xe cộ đông, và có không ít xe dừng - đón khách. Tuyến đường này còn có một số trường học, nên vào giờ tan trường, thường xuyên xảy ra kẹt xe cục bộ. Tại ngã tư Phan Châu Trinh - Lê Lợi, có một vài đoạn lề đường bị chiếm dụng làm nơi giữ xe máy khiến cho người đi bộ phải đi dưới lòng đường và đã “góp phần” không nhỏ đến tình trạng kẹt, ùn ứ xe cộ. Một người dân ở khu vực này bày tỏ rằng, các điểm giữ xe trên dù có phép hay không phép, thì cũng đã đến lúc chính quyền địa phương cân nhắc lại. Còn ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc chi nhánh Công ty Du lịch - dịch vụ Hội An (Hội An Travel) cho biết, với riêng du khách, thì thực trạng này đang dần đánh mất suy nghĩ về một Hội An nền nếp, yên bình mà họ vốn biết.
Trong khi đó, cánh tài xế vận chuyển khách du lịch không khỏi lo lắng khi chở khách trong thời điểm từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30. Đây là giờ cao điểm của tình trạng kẹt, ùn ứ xe, dễ khiến cho tài xế không thể đưa khách đến địa điểm du lịch theo đúng khung giờ đã hẹn. Với cánh tài xế thường xuyên chạy trên tuyến đường Cửa Đại, việc qua lại cầu Phước Trạch vào thời điểm chiều đến tối chưa bao giờ là “dễ thở”. “Bởi đó là thời điểm lượng xe cộ qua lại nhiều, trong khi cầu Phước Trạch hẹp, không đủ cho 2 làn xe qua lại cùng một lúc, nên mới có chuyện, cây cầu dài được mấy chục mét mà có khi mất gần cả tiếng đồng hồ để qua được cầu là vì vậy” - anh Hiền, một tài xế thường xuyên chở khách qua cầu Phước Trạch cho hay.
Thiếu không gian công cộng
“Câu chuyện của giao thông và không gian công cộng của Hội An, luôn phải gắn liền với bài toán quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch cho nó, trong tổng thể một bài toán chung của môi trường - kinh tế - văn hóa xã hội. Nếu tách rời nó ra để xử lý riêng thì nó ít mang ý nghĩa và nhiều khi lệch lạc. Theo tôi, Hội An nên trả đúng vị trí và tầm nhìn cho việc phát triển không gian giao tiếp, của chính người Hội An ở mọi đối tượng, lứa tuổi, của chính văn hóa Hội An và đời sống hàng ngày của người dân hơn là tập trung phát triển/ ưu ái các tụ điểm di tích dành cho du lịch. Không gian giao tiếp ấy không xa lạ chính là những góc phố, gầm cầu, bờ sông, gốc cây, hẻm ngõ, phần nhô ra thụt vào của dãy phố, bến nước... tất cả những không gian rất đời thường nơi mà người dân dùng để giao tiếp với nhau hàng ngày. Đó là những điểm dừng thú vị và rất con người mà du khách muốn xem thay vì tới những nơi đã được chỉ định, công nhận. Nên ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông sạch, nhỏ và cơ động, tránh các xe du lịch to tiếp cận vào tận trung tâm thành phố. Tiếp nữa, cần phát triển hệ thống thông minh high-tech cho dịch vụ giao thông kết nối các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng...”. - Bà Ngô Anh Đào, tiến sĩ ngành Quy hoạch và cảnh quan tại Canada, là nhà sáng lập, đồng thời là CEO của Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International với nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho UNESCO và ILO cho các dự án phát triển tại Hội An. |
Sau khi chạy xe máy từ Đà Nẵng vào, Kaream Plum (35 tuổi, du khách Úc) cùng 3 người bạn của mình loay hoay tìm chỗ dừng chân trước khi vào tham quan phố cổ. Kaream nói rằng cả nhóm tìm công viên có ghế đá hay đại loại thế, ngồi thư giãn khoảng 30 phút trước khi đi bộ dạo phố vì tất cả vừa trải qua hàng trăm kilômet trên xe gắn máy sau hành trình dài từ Quảng Bình. Chúng tôi gợi ý là họ có thể tìm đến một quán cà phê nào đó. Nhưng Kaream bảo cả bọn đã có kế hoạch ngồi cà phê ở trong phố, tất nhiên là không phải lúc này.
Câu chuyện trên không mới, nhất là trong những năm gần đây, việc đáp ứng nhu cầu về không gian dừng chân, thư giãn cho du khách bên cạnh tham quan các điểm du lịch, và cho người dân Hội An đang dần trở nên bức thiết. Ông Phan Việt Thanh (74 tuổi, phường Sơn Phong) cho biết, do tuổi cao, lại có nhiều bệnh nên ông rất cần không gian thoáng đãng để đi lại, tập thể dục nhẹ. Mỗi sáng chiều, ông chọn đến khuôn viên của Thư viện Hội An - Thanh Hóa. “Tuy nhiên, chỉ được buổi sáng, còn buổi chiều thì… “thua” do đông người quá, trong khi khuôn viên lại không đủ rộng. Do vậy, già trẻ, lớn bé gần như chơi chung với nhau và điều này không hợp với người già như chúng tôi” - ông Thanh bộc bạch.
Ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An cho rằng, đây là một thực trạng mà Hội An đang phải đối diện. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, không gian công cộng, cùng với hạ tầng giao thông luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng và được thành phố ưu tiên giải quyết hàng đầu. Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận rằng, do đất đai hẹp, quỹ đất không nhiều nên gặp khó trong việc xây dựng các không gian công cộng lớn. Do đó, thành phố đã có những giải pháp như thiết lập một số không gian công cộng ở bùng binh An Hội, số nhà 31 Nguyễn Thái Học, 138 Trần Phú, 57 Trần Phú… Bên ngoài khu phố cổ, thành phố đã tạo độ mở cho các thư viện, khu tượng đài…, để những nơi này có không gian công cộng như Thư viện Hội An - Thanh Hóa; khu tượng đài Nguyễn Duy Hiệu…
CẦN QUY HOẠCH HỢP LÝ
Hội An đang tiến hành nhiều giải pháp, đặc biệt là quy hoạch chung theo hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, để kịp thời “thay áo” cho phù hợp với đà phát triển.
Tuyến đường nối phố với làng rau Trà Quế vào buổi chiều luôn có mật độ ôtô lưu thông cao. Ảnh: XUÂN THỌ |
Theo Phòng Quản lý đô thị Hội An, vào năm 2005, UBND tỉnh đã có định hướng phát triển không gian trên địa bàn Hội An đến năm 2020, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn chưa đạt kết quả. Quy hoạch này còn ở mức độ duy trì tình trạng, chưa giải phóng tiềm năng của đô thị. Hạ tầng khung của đô thị áp sát khu phố cổ. Nếu theo hình thức phát triển như vậy thì cấu trúc quy hoạch và không gian đô thị sẽ bị phá vỡ: các khu đô thị mới phát triển theo dạng tuyến bám theo hạ tầng khung làm tổn hại đến khu phố cổ, mặt khác các biện pháp và yêu cầu bảo tồn sẽ cản trở sự phát triển của đô thị mới.
Bãi đỗ xe và trung chuyển
Thực trạng nhức nhối là như vậy, nhưng Hội An không có nhiều quỹ đất để mở rộng hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An - cho biết, thành phố đã họp lên phương án phân luồng, rà soát lại các điểm dừng, đón trả khách..., để xây dựng khung giờ cao điểm hạn chế các loại xe có kích cỡ lớn, nhiều chỗ ngồi. Chẳng hạn các loại xe từ 45, 50 chỗ trở lên, thì trong các khung giờ cao điểm là khoảng 11 - 12 giờ và 16 giờ 30 - 19 giờ 30 thì sẽ dừng ở các chốt quy định, hoặc hạn chế lưu thông. Hội An cũng đã giao Phòng Quản lý đô thị và Công an thành phố lên kế hoạch điều tiết, phân luồng, lập các điểm chốt. Trên cơ sơ đó, trình thành phố phương án lập các điểm để vận chuyển du khách bằng phương tiện công cộng từ các bãi đổ xe, hay các chốt này vào tham quan phố cổ nhằm giảm bớt tình trạng kẹt, ùn ứ xe cộ như hiện tại. Đồng thời cân nhắc thiết lập một số tuyến đường một chiều. “Hội An đang quy hoạch 3 bãi đỗ xe lớn: một điểm đang làm ở số 332 Lý Thường Kiệt; một điểm khác rộng 3ha ở đường Nguyễn Du cũng đã giao cho một nhà đầu tư; và một điểm 1,5ha trên đường Lý Thường Kiệt, đang được quy hoạch để giao cho nhà đầu tư” - ông Dũng cho biết. Đồng thời đã và đang triển khai phương án dùng xe điện để trung chuyển du khách trên tuyến đường từ các bãi đỗ xe này đến khu phố cổ.
Phòng Quản lý đô thị Hội An trong báo cáo giám sát công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cho rằng cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển vận tải hành khách đô thị, đặc biệt vận tải công cộng khối lượng lớn, đồng thời kiểm soát sự phát triển phương tiện cá nhân. Triển khai đồng bộ việc đầu tư, đổi mới phương tiện và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh cho toàn thành phố. Tăng cường khả năng nguồn thu tài chính từ việc phát triển giao thông công cộng (tăng thuế sử dụng đất, thuế kinh doanh - dịch vụ) từ các lĩnh vực được hưởng lợi từ việc phát triển công trình công cộng. Hội An cần một quy hoạch tổng thể để đảm bảo phát triển bền vững, trong đó giải được các bài toán về giao thông kết nối chưa liên tục, hạ tầng quá tải, cơ cấu doanh thu nội bộ ngành du lịch chưa hợp lý, quỹ đất hạn chế, thiếu sự sự liên kết giữa đô thị - nông thôn - dòng sông - mặt biển, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Sẽ có không gian công cộng đúng nghĩa
Hội An đang tiến hành rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng những không gian công cộng đúng nghĩa, tức là vừa có cây xanh, vừa có ghế đá, vừa có các khu vui chơi… Ông Tống Quốc Hưng - Phó phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An cho biết, khu đất thu hồi từ trường Đại học Phan Châu Trinh trên đường Trần Hưng Đạo đang có phương án xây dựng thành công viên điểm nhấn của Hội An. “Công viên này sẽ là nơi sinh hoạt chung của thành phố, có nhà hội nghị, nhà giao lưu truyền thống; không gian rộng lớn để tổ chức các hoạt động văn hóa, hay các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao của người dân; có cây xanh, ghế đá…” - ông Hưng tóm lược. Theo ông Hưng, thành phố đã phát động các xã, phường xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với tạo không gian sinh hoạt công cộng cho người dân. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các khu dân cư phải vừa đảm bảo cảnh quan chung của thành phố, vừa có một khu đất trống để sau này làm công viên cho các khu dân cư.
Ông Hưng còn cho biết, thành phố vẫn đang dành một quỹ đất khá lớn ở Thanh Hà để xây dựng công viên đa chức năng. Đây là một dự án đã manh nha từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do doanh nghiệp chưa đáp ứng được những tiêu chí mà thành phố đưa ra. Hiện khu đất này đã giải tỏa xong và đang đợi doanh nghiệp đầu tư vào. Sở dĩ những doanh nghiệp trước không đáp ứng được yêu cầu của thành phố, là họ muốn đầu tư xây dựng với mật độ dày hơn, trong khi thành phố yêu cầu tuân thủ mật độ xây dựng theo nguyên tắc giữ cảnh quan chung của thành phố. Bên cạnh đó, khu đất này có vết tích của văn hóa Sa Huỳnh, di chỉ Chăm Pa, mộ cổ…, và thành phố muốn các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây, phải tôn trọng những không gian này và biến chúng thành không gian trưng bày trong không gian chung của công viên đa chức năng. Từ hai nguyên nhân đó, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng công viên đa chức năng theo ý tưởng ban đầu của Hội An.
NHẬN DIỆN NHỮNG HỆ LỤY
Hội An đã phát triển “quá khổ” so với “chiếc áo cũ”, dẫn đến rất nhiều nguy cơ làm kìm hãm, tụt hậu nếu không có sự điều chỉnh kịp thời.
Dễ bị tụt hậu
Bên cạnh việc kẹt, ùn ứ xe cộ, thì việc thi công mở rộng, nâng cấp, sửa chữa, xây mới đường sá, cầu cống đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý của du khách. Bởi họ phải đối mặt thêm với bụi bẩn và tiếng ồn. Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Hội An Travel cho rằng, các hoạt động trên cần đầy nhanh tiến độ, đồng thời cân nhắc chỉ nên thi công vào những tháng thấp điểm, hoặc thậm chí là nên làm vào những giờ ít khách như ban đêm chẳng hạn… để nhằm tạo được tâm lý thoải mái nhất cho du khách đến du lịch tại Hội An.
Theo ông Fumio Kato - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, Hội An muốn phát triển các dịch vụ lên tầm cao hơn, cần cải thiện ngay cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. “Hội An có nguy cơ bị bỏ lại trong quá trình phát triển đô thị hóa, mà cụ thể là xu thế giao thông chuyển sang ô tô. Tất nhiên, sẽ có khách tìm đến những giá trị riêng của Hội An, nhưng với những hạn chế về hạ tầng như thế, sẽ hạn chế họ đến hay quay trở lại Hội An. Bởi Hội An ngoài đẹp, thì sự yên tĩnh của đô thị cổ này cũng là động lực rất lớn để thu hút du khách. Do đó, trong bối cảnh giao thông chật chội, cần phải tính đến việc kết nối các điểm và phương tiện giao thông để đem lại sự tiện lợi cho du khách, từ đó họ mới thoải mái đến các điểm du lịch để tham quan, mua sắm…” - ông Kato nói.
Gây khó khăn cho sự tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, sự thiếu hụt về không gian công cộng, tình trạng ùn ứ xe cộ đang gây khó khăn cho sự tăng trưởng của Hội An. Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đã có những lo lắng trước thực trạng trên. Việc du khách quay lưng với đô thị du lịch bởi sự yếu kém về hạ tầng giao thông và không gian công cộng không là điều mới mẻ trên thế giới. Hội An tuy chưa đến ngưỡng đấy, nhưng không thể không xảy ra điều tương tự nếu như không có sự điều chỉnh kịp thời. Ở nhiều nước phát triển, hệ thống giao thông, không gian công cộng luôn đi cùng với quy hoạch chung của đô thị, thậm chí là ưu tiên hơn. Nhờ vậy, nó trở thành bệ phóng kích thích sự phát triển đô thị trong một giai đoạn dài. Trong khi đó, với Hội An, chỉ trong vài năm tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, thì cũng là lúc xuất hiện nỗi lo về hạ tầng giao thông và không gian công cộng.
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Jack Trần Tours cho biết, thực trạng giao thông không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ông, mà còn là bức xúc chung của rất nhiều doanh nghiệp ở Hội An. Điều này đang hạn chế sự đầu tư của các doanh nghiệp, dẫn đến kìm hãm tốc độ phát triển về kinh tế, du lịch của Hội An. Một số ý kiến cho rằng, chỉ khi nào hạ tầng giao thông và không gian công cộng song hành cùng tốc độ phát triển du lịch của Hội An, thì du khách mới có lý do để ở lại Hội An thêm một vài ngày. Việc này đồng nghĩa với doanh thu từ việc kinh doanh các sản phẩm du lịch sẽ được nâng lên nhiều hơn. Trong trường hợp chúng ta không có những điều chỉnh, quy hoạch kịp thời hạ tầng giao thông và không gian công cộng, thì cái viễn cảnh du khách quay lưng với Hội An là điều dễ xảy ra.
Thực hiện chuyên đề: XUÂN THỌ