TP.Hội An đang tiến hành san ủi mặt bằng và xây dựng các hạng mục tại Cụm công nghiệp Thanh Hà giai đoạn 2 để sớm triển khai di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào tập trung tại đây nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Căn cứ kết quả khảo sát, từ năm 2017 đến 2020, TP.Hội An tập trung giải quyết 50 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đây là những cơ sở có phạm vi gây ô nhiễm rộng (về bụi, tiếng ồn, mùi độc hại…) trên các tuyến đường trọng yếu hoặc ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị hay nằm trong các khu dân cư trung tâm thành phố, chủ yếu là cơ sở chế biến gỗ, sản xuất giường, bàn ghế, tủ; cắt đá granit, sản xuất cơ khí… Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, hệ thống xử lý nước thải chung cho Cụm công nghiệp Thanh Hà chưa được đầu tư, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với các xã phường rà soát di dời các cơ sở ít gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp trước.
UBND TP.Hội An sẽ thành lập hội đồng xét duyệt đối với từng cơ sở để đảm bảo tính chính xác và công bằng trong quá trình triển khai thực hiện phương án di dời. Chi phí hỗ trợ (vận chuyển, di dời máy móc - thiết bị, nguyên vật liệu, lệ phí hỗ trợ xây dựng nhà xưởng…) cũng sẽ được thanh toán theo thực tế của từng cơ sở. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện chính sách hỗ trợ cho thuê đất không quá 20 năm, miễn tiền thuê đất 3 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư trong 2 năm đầu sau di dời… Trên cơ sở rà soát về nhu cầu, quy mô, nhóm ngành sản xuất của từng cơ sở, thành phố sẽ bố trí địa điểm hợp lý, nhóm ngành gây ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi được bố trí xa trường học và khu dân cư. Cũng trên cơ sở đó, thành phố có kế hoạch bố trí diện tích từ 800m2 đến 2.000m2 cho mỗi cơ sở sản xuất. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu bố trí phân thành từng nhóm ngành cụ thể vào từng khu. “Ví dụ vật liệu xây dựng vô một khu hay mộc vô một khu, cơ khí vô một khu… nhưng cần tính toán phù hợp, đặc biệt lưu ý 2 trường học. Cố gắng tất cả ngành gây tiếng ồn và bụi phải xa 2 trường học và xa khu dân cư” - ông Hùng nói.
Cụm công nghiệp Thanh Hà được quy hoạch nhằm bố trí các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư di dời vào và phát triển công nghiệp sạch của thành phố. Giai đoạn 1 đã hoàn thành về hạ tầng cơ bản (san nền, giao thông, cấp nước, điện) và đang tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2. Hiện nay, đã có 12 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 7 cơ sở nằm trong khu dân cư di dời vào, tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Tổng diện tích đất sản xuất đã bố trí thuộc giai đoạn 1 là 57.603m2, diện tích chưa bố trí của 2 giai đoạn là 147.353m2. Vì vậy phương án di dời đặt ra thời điểm này hoàn toàn có cơ sở. Nhưng để tăng tính khả thi thì việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng là yêu cầu cấp thiết.
UBND TP.Hội An đang tích cực tạo nguồn và bố trí vốn đầu tư để sớm hoàn thành các hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc di dời trong thời gian đến.
ĐỖ HUẤN