Năm 2016 này, người dân Hội An, đặc biệt là nhân dân ở các xã vùng ven cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã và đang có sự chuẩn bị chu đáo khi vùng ven “mở cửa”…
Sắc mới trên vùng ven Hội An. Ảnh: Lê Hiền |
Đường lớn đã mở
Không giấu được niềm vui, mùa xuân này, trên từng gương mặt của người dân sống dọc tuyến đường Trần Nhân Tông ở khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu và tuyến ĐH15 nối Cẩm Thanh đến đầu cầu Cửa Đại đều hân hoan rạng ngời. Giấc mơ bao đời nay về một tuyến đường rộng mở, thênh thang đã trở thành hiện thực. Tết vừa rồi, những ngôi nhà dọc hai bên đường trang trí thật đẹp để đón xuân. Trong câu chuyện đầu năm, bà con vẫn nhắc lại một thời cả làng phải đi trên tuyến đường đầy ổ gà, bụi bặm, nhỏ hẹp. Theo câu chuyện kể của mọi người, suốt những năm tháng ấy, cả khu này thiếu hẳn sự xán lạn, tươi mới và khang trang như bây giờ. Từ khi mở rộng đường Trần Nhân Tông qua Cẩm Thanh, nối liền với đầu cầu Cửa Đại, sang huyện Duy Xuyên, tâm tư và cuộc sống của người dân thay đổi hẳn. Ông Đinh Văn Cảnh, ở khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu phấn khởi nói: “Đường lớn rộng mở, người dân ai cũng mừng. Ngay cả người dân vùng biển Duy Xuyên qua đây ghé lại uống nước cũng bày tỏ sự vui mừng. Mơ ước về một con đường từ Cẩm Thanh băng lên khối Thanh Na, phường Cẩm Châu đã thành hiện thực. Đường mở, homestay, khách sạn cũng mở, tối đến đèn cao áp sáng trưng, quán xá mọc lên..., không khí khác hẳn. Nhà cửa khang trang, hết cảnh mưa bùn nắng bụi, người dân chúng tôi mừng lắm”.
Đường rộng, cầu thông mang lại niềm vui cho nhân dân, đồng thời mở ra cho vùng ven những cơ hội mới. Vốn dĩ, vùng vành đai phía trong thuộc khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu đến các thôn ở xã Cẩm Thanh lâu nay được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế du lịch làng quê, sông nước nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để nhằm phát triển các dịch vụ đi kèm. Bây giờ đây, việc thông thương tuyến đường dẫn nối đến cầu Cửa Đại không chỉ có ý nghĩa về mặt dân sinh mà còn kết nối con đường du lịch từ khu di sản thế giới Đô thị cổ Hội An với các xã vùng ven huyện Duy Xuyên. Theo ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, đây là cơ hội để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch - dịch vụ theo định hướng chung của thành phố, trên cơ sở phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ cơ hội này, cả người dân và chính quyền xã đã và đang có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên nền tảng hạ tầng cơ sở và cảnh quan sinh thái tự nhiên. Ông Lê Thanh cho biết: “Người dân bắt đầu nhận thức được những vấn đề đó nên tập trung các loại hình dịch vụ. Doanh nghiệp ngoài địa phương cũng rục rịch đầu tư vào Cẩm Thanh. Chúng tôi có bước chuẩn bị để chuyển hướng về khai thác đối với du lịch sông nước, nạo vét tuyến sông Đình và một số kênh rạch tại rừng dừa Bảy Mẫu; trung tâm du lịch làng quê cũng có sự đầu tư chuẩn bị để đón đầu”.
Đón đầu thời cơ
Rời Cẩm Thanh, chúng tôi đến với xã nằm bên kia sông Thu Bồn - Cẩm Kim. Mùa xuân này, trên cây cầu mới, người dân địa phương hân hoan khởi hành những chuyến du xuân “xuyên” phố cổ mà không phải chờ đợi đò ngang. Ước mơ bao đời có một nhịp - cầu - vui bắc qua phố Hội giờ đã thành hiện thực. Bởi, dù đã được Nhà nước từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo chương trình nông thôn mới nhưng từ trước đến nay, do cách trở sông đò, cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế của người dân còn hạn chế. Cái nghèo vẫn còn vây bủa, đeo bám. Từ mùa xuân này, người Cẩm Kim tin rằng rồi đây, các gia đình sẽ có cơ hội làm kinh tế, nhất là khi đã có nhịp cầu dẫn lối khách du lịch từ phố cổ sang thăm vùng quê yên bình Cẩm Kim. Nhận thức rõ thời cơ và thách thức của địa phương trong vận hội mới, cả chính quyền và người dân đều đang chuẩn bị tâm thế khi địa phương “mở cửa”. Ông Lê Duy Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết: “Để đón bắt thời cơ khi mà cây cầu dân sinh Cẩm Kim đưa vào sử dụng, theo chủ trương của lãnh đạo thành phố, địa phương chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế qua thương mại dịch vụ - du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho du lịch, khuyến khích bà con đầu tư dịch vụ lưu trú. Bên cạnh đó, định hướng của thành phố, Cẩm Kim phải giữ cho được bản chất vùng quê nông thôn để kinh tế du lịch phát triển theo hướng làng quê sinh thái”.
Năm 2016, nhiều tin vui, chuyện mừng đã đến với các xã vùng ven của TP.Hội An. Xã Cẩm Hà với khu dân cư Trảng Kèo đang dần hoàn thiện, các tuyến đường dẫn về trung tâm xã và các công trình công cộng như thiết chế văn hóa, trường học được hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn nông thôn mới cũng tạo thêm sức bật cho làng quê phát triển. Tân Hiệp với dự án kéo điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm và các công trình quốc phòng, dân sinh được đầu tư xây dựng đã tạo thêm những “cú hích” đối với du lịch. Còn các địa phương như Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, những cơ hội “mở cửa” nhờ thông tuyến, thông cầu đang hiện rõ từng ngày.
Vùng ven Hội An đang “thức dậy” để đón những luồng sinh khí mới, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố. Và trước vận hội mới này, để chuẩn bị cho sự phát triển đều khắp, sâu rộng của từng địa phương gắn liền với nhịp bước của toàn thành phố nói chung, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Định hướng của thành phố là tiếp tục ổn định vùng lõi trung tâm - khu phố cổ, mở rộng kinh doanh ra các vùng ngoại vi, tăng cường ở vùng biển đảo và vùng nông thôn. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh ra đảo Cù Lao Chàm, vùng Cẩm Kim, vùng An Mỹ (Cẩm Châu), Cẩm Thanh, Cẩm Hà, và đã có sự chuẩn bị chu đáo đối với những vùng đó. Bởi, sau khi có cầu ra Cẩm Kim, có điện ra Cù Lao Chàm, khách sẽ đến nhiều hơn, rồi các nhà đầu tư nữa. Chúng tôi phải chuẩn bị hết sức chu đáo”.
Thời cơ mới đang đến dần với vùng ven Hội An. Hy vọng rằng, người dân các địa phương sẽ phấn khởi, nhanh chóng đón bắt cơ hội, chủ động phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống mới.
LÊ HIỀN