Rác thải mỗi ngày một nhiều, bãi rác không còn chỗ chứa, công suất nhà máy xử lý rác có hạn, lò đốt rác không vận hành... khiến rác thải tại Hội An đang trở thành “vấn nạn”.
Bãi rác lưu cữu tại Cẩm Hà hơn 70.000m3.Ảnh: QUỐC HẢI |
Mỗi ngày, Công ty CP Công trình công cộng (CTCC) Hội An thu gom trung bình hơn 71 tấn rác thải trên toàn địa bàn TP.Hội An. “Công suất xử lý của nhà máy khoảng 55 tấn/ngày, còn lại tập kết tại bãi rác Cẩm Hà. Qua quá trình xử lý, năm 2016 nhà máy đã sản xuất hơn 1.600 tấn phân compost, xuất hỗ trợ trên 1.230 tấn compost cho người dân trên địa bàn sử dụng. Dù vậy, nhiều thiết bị máy móc đã đến giai đoạn xuống cấp, thường hư hỏng nên tốn chi phí lớn để thường xuyên sửa chữa, thay thế” - ông Võ Văn Trung - Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải Hội An cho biết.
Thực tế, lượng rác phát sinh trên địa bàn Hội An đang ngày một tăng thêm, lượng rác tập kết về bãi chứa Cẩm Hà ngày càng nhiều. Trong khi đó, bãi rác đang quá tải, lầy lội, rác tập kết tại bãi quá cao nên việc vận chuyển, san ủi rác gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP CTCC Hội An cho biết thêm: “Rác thải sau quá trình xử lý được đổ tại bãi rác Cẩm Hà còn nhiều, đa phần là rác khó phân hủy như vải vụn, vỏ hộp sữa, chai lọ thủy tinh chiếm tương đối lớn nhưng vẫn chưa có cách giải quyết do rác thải này các chủ cơ sở thu mua ve chai phế liệu không tiêu thụ”.
Nằm sát nhà máy xử lý rác thải Cẩm Hà là lò đốt rác có diện tích 10.000m2. Với quy trình vận hành bán tự động theo công nghệ của Việt Nam, công suất thiết kế 100 tấn/ngày đêm, lò đốt được kỳ vọng giải quyết rốt ráo vấn đề rác thải tại Hội An. Theo thiết kế, lò đốt sẽ xử lý toàn bộ 60% rác không tái sử dụng được của nhà máy xử lý rác thải cùng 70.000m3 rác lưu cữu của cả thành phố tại bãi rác Cẩm Hà. Từ tháng 5.2016, Hội An đã đưa vào vận hành thử nghiệm lò đốt rác thải sinh hoạt trị giá 25 tỷ đồng này. Thế nhưng, đến nay lò vẫn chưa vận hành chính thức. “Lò đốt thử một tuần lại dừng hai ba tháng vì thiết bị chưa ổn. Công ty huy động mọi nguồn lực thì chỉ có khả năng duy trì bãi rác tạm thời. Nếu thành phố không có biện pháp tiếp theo thì Hội An không có chỗ nào để chứa rác thải được nữa” - ông Nguyễn Thanh Đông nói.
Thêm vào đó, do đặc thù rác ở địa phương có độ ẩm và hàm lượng tro cao, nhiệt trị thấp, nhiều thành phần không đốt được lại không được phân loại. Đất, cát, chai thủy tinh, phế thải xây dựng, rác thải có chứa các hợp chất độc hại, chất nổ, rác thải y tế trong rác thải còn rất nhiều (khoảng 19,32% khối lượng rác đốt)... nên ảnh hưởng đến quá trình vận hành lò đốt, hàm lượng tro xỉ khá lớn. Thành phố lại chưa có bãi xử lý hoặc chôn lấp một cách hợp vệ sinh để xử lý tro xỉ, cặn dư. Quá trình xử lý khói thải làm phát sinh chất thải thứ cấp là than đã hết hoạt tính và các muối của natri cần phải xử lý. Tại lò đốt rác hiện cũng chưa lắp thiết bị đo, hiển thị nhiệt độ dòng khí thải ngay sau bộ phận giải nhiệt và hoạt động với công suất nhỏ hơn so với thiết kế ban đầu. Tình trạng một số máy móc, thiết bị hư hỏng, không có trang thiết bị dự phòng để thay thế nên quá trình vận hành bị gián đoạn. “Tình trạng này kéo dài là không thể chịu nổi. Bây giờ chúng ta phải ngồi lại với đơn vị thi công để trả lời ngay tính khả thi của lò đốt rác. Nếu khả thi thì phải xử lý ngay bộ phận nào hư hỏng để đưa vào vận hành. Nếu bất khả thi, thành phố phải có giải pháp sớm, kéo dài ngày nào nguy hiểm ngày nấy” - ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
QUỐC HẢI