Trước áp lực phát triển, nhất là sự gia tăng các hoạt động du lịch - dịch vụ khiến vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu dân cư Hội An thêm khó khăn, phức tạp.
Sự gia tăng các hoạt động du lịch khiến vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường tại Hội An gặp không ít khó khăn. Ảnh: V.LỘC |
Từ nước thải…
Đi vào vận hành từ cuối tháng 12.2016, Nhà máy xử lý nước thải Hội An tại thôn 8, xã Cẩm Thanh chủ yếu xử lý nước thải tại các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và một phần khu vực của 2 phường Tân An và Cẩm Châu, tương đương với khoảng 40% lượng nước thải trên địa bàn thành phố. Điều đó có nghĩa còn đến 60% lượng nước thải ở Hội An chưa qua xử lý vẫn đang hàng ngày thải ra môi trường. Nhiều nơi như sông Hoài, Chùa Cầu hay các kênh rạch dưới Cẩm Châu, Cẩm Thanh chất lượng nước đều không đạt chuẩn. Thậm chí, theo một cuộc khảo sát trước đây của các chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), nồng độ một số chất đo được tại một vài điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Cụ thể, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học) từ 250 đến 350 mg/l, cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng) và khuẩn Coliform cao hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Mặt khác, theo thiết kế Nhà máy xử lý nước thải Hội An có công suất 6.750m3/ngày đêm, nhưng lượng nước thải về nhà máy hiện nay chỉ có 1.200m3/ngày đêm. Trong khi đó, công suất thiết kế của nhà máy căn cứ trên khảo sát thực tế số lượng nước thải các vùng dân cư trong khu vực nhà máy xử lý. Điều này đặt ra khả năng nhiều hộ dân chưa đấu nối ống xả thải vào hệ thống thu gom chính. Lãnh đạo thành phố cho biết, sắp tới phải kiểm tra hết lại, tránh trường hợp nằm trong vùng xử lý của nhà máy nhưng lại xả thải ra môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường TP.Hội An, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước thải trên địa bàn. Ngoài vị trí nằm ở hạ nguồn sông Thu Bồn nên khó chủ động kiểm soát được chất lượng nước từ thượng nguồn chảy về, nguyên nhân chính là Hội An có nhiều hoạt động phát triển kinh tế, nhất là hoạt động du lịch - dịch vụ, trong khi các công trình xử lý nước thải đô thị ở nhiều khu vực chưa được xây dựng, rồi hoạt động sản xuất kinh doanh không tập trung cũng gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo ông Hùng, để giải quyết 60% lượng nước thải đô thị còn lại, phòng đã tham mưu thành phố khảo sát, đề xuất phương án thu gom và xây dựng các trạm xử lý nước thải phân tán. Bước đầu đã thiết kế để đầu tư các trạm xử lý tại khu tái định cư Làng Chài, Khu công nghiệp Thanh Hà, khu đô thị Thanh Hà. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, trạm xử lý nước thải Chùa Cầu có công suất 2.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 243 tỷ đồng đang được thi công, khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ xử lý thêm khoảng 30% lượng nước thải của thành phố. Đồng thời chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức như Borda, GIZ… để tìm cơ hội đầu tư, giải quyết triệt để lượng nước thải còn lại.
… đến rác thải
Bên cạnh vấn đề nước thải, điều lo nhất của TP.Hội An hiện nay chính là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Theo tính toán của Phòng Tài nguyên & môi trường Hội An, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển và xử lý mỗi ngày trên địa bàn thành phố khoảng 71 tấn (chiếm 85% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của thành phố). Ngoài ra, có thể kể đến chất thải do hoạt động xây dựng; rác thải nguy hại tại các cơ sở y tế, bệnh viện; rác thải ruộng đồng… Tuy vậy, đến nay Hội An mới chỉ xây dựng được 1 nhà máy xử lý rác thải và 1 lò đốt rác tại Cẩm Hà công suất thiết kế 80 - 100 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành, nhà máy này chỉ đạt tối đa 55 tấn/ngày đêm. Trong khi đó, lượng rác thải ra của thành phố đang có xu hướng tăng thêm khi các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển. Ông Nguyễn Đình Hùng cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến công suất xử lý rác thải của nhà máy không như thiết kế do chất lượng rác thải đầu vào chưa đảm bảo. Vẫn còn lượng lớn rác chưa được phân loại nên khi đưa lên nhà máy gây ảnh hưởng đến hiệu suất của các công đoạn xử lý rác thải như quá trình lên men, ủ chín…
Để xử lý vấn đề rác thải, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhiều biện pháp chế tài cũng đã được Hội An thực hiện. Tính từ năm 2011 đến nay, thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 73 trường hợp, thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1,35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai và duy trì các mô hình về quản lý chất thải rắn như “phân loại rác thải tại nguồn”, “nói không với túi ny lon”, “sản xuất phân compost tại hộ gia đình”, “nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”, “giáo dục môi trường trong học đường”, “Hội Phụ nữ thu gom phế liệu”, “Hội Nông dân với rác thải đồng ruộng”...
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, lượng khách đến Hội An mỗi ngày một tăng dẫn đến lượng rác thải cũng lớn hơn. Trong khi công suất hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải Cẩm Hà chỉ khoảng 55 tấn/ngày đêm như hiện tại là đáng lo ngại. Ngoài chuyển đi nơi khác xử lý, lượng rác tồn còn lại chủ yếu đổ ra bãi tại nhà máy. Do đó, thành phố đang tính đến giải pháp đầu tư thêm các nhà máy xử lý rác thải hoặc lò đốt.
VĨNH LỘC