Sự kiện kinh tế mỗi dịp cuối năm được nhiều người trông đợi là hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam, nhưng dù nhiều lần tổ chức, việc tạo cơ hội đẩy hàng “made in Quảng Nam” vẫn chưa tạo được sức bật đáng kể.
Cơ hội
Tuy có thêm người hỗ trợ giao dịch với khách hàng nhưng việc phỏng vấn với ông chủ gian hàng ươm tơ và chổi đót Nhất Tuấn (Quế Phú, Quế Sơn) cứ liên tục bị ngắt quãng vì phải tham gia quán xuyến gian hàng, bán hàng cho khách. Trong gần ba ngày đầu, lượng hàng đem vào đã vơi gần hết, ông Tuấn phải bổ sung hàng phục vụ khách tham quan, mua sắm tại hội chợ. “Cứ đến dịp này, khách hàng lại tìm đến gian hàng của tôi mua vài cái chổi để dành dùng dần trong cả năm. Mỗi lần tham gia hội chợ, chưa nói tới việc có tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn hay không, riêng việc người tiêu dùng nhớ mặt và tìm đến thường xuyên sau mỗi năm là đã được nhiều rồi” - ông Nguyễn Nhất Tuấn nói thêm. Tương tự, cơ sở bánh tráng Đại Lộc của chị Phan Thị Linh cũng đắt khách không kém. Cơ sở của chị Linh tham gia hội chợ nhiều lần nên được khách hàng ở khu vực TP.Tam Kỳ và các vùng lân cận tìm đến mua hàng mỗi kỳ hội chợ. Chính sức hấp dẫn, có cơ hội đến gần khách hàng nhiều nên đã có một số cơ sở bánh tráng ở Đại Lộc cũng tìm đến, đề nghị phòng kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc hỗ trợ để tham gia hội chợ. Cơ sở bánh tráng Đại Lộc Võ Thị Thu Trang là trường hợp ví dụ. “Khi nhìn thấy được cơ hội từ việc tham gia hội chợ Xuân hằng năm của chị Linh, tôi đã đề nghị huyện hỗ trợ và đã tham gia lần thứ 3. Sau mỗi mùa hội chợ, khách hàng tăng lên, cơ hội được các mối sỉ đặt hàng cũng nhiều hơn” - chị Võ Thị Thu Trang nói.
Sản phẩm nước mắm Cửa Khe luôn được khách hàng tham quan và chọn mua.Ảnh: C.T.A |
Làng nghề hương Quán Hương (huyện Thăng Bình) cử đại diện tham gia hội chợ lần này là cơ sở của anh Tấn Hiếu. “Cả làng nghề Quán Hương có hàng trăm hộ làm hương nhưng chỉ có vài cơ sở đăng ký nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa… Lý do việc đăng ký nhãn hiệu có những yêu cầu khá khắt khe nên nhiều hộ từ bỏ. Những cơ sở có đăng ký nhãn hiệu như của tôi được hỗ trợ đi tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Từ những lần tham gia hội chợ trước, khách hàng của cơ sở tôi hiện nay không chỉ gói trọn trong phạm vi của tỉnh mà ra các tỉnh khác, lượng đặt hàng cũng tăng lên khá nhiều, đều đặn hằng tháng chứ không tập trung vào mùa cao điểm” - anh Tấn Hiếu nói.
Trông đợi hàng hóa xứ Quảng
Hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam 2017 do Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp Công ty Hà Thanh Trí (TP.Đà Nẵng) tổ chức. Cũng giống hội chợ khuyến mại Xuân Quảng Nam các năm trước, mục tiêu của hội chợ là cơ hội cho người dân tham quan, mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Điều đáng mừng là hội chợ năm nay đã tránh được tình trạng đưa hàng kém chất lượng như mọi năm. Tuy nhiên, theo nhận xét đánh giá chung của nhiều người tham gia hội chợ, sự chu đáo, bài bản, chăm chuốt ở năm nay thiếu hẳn. Ngay đến chiều tối khai mạc hội chợ, số gian hàng trống vẫn còn khá nhiều, lại ở ngay ở những vị trí đắc địa của hội chợ, dễ đập vào mắt người tham quan mua sắm. Điều đó tạo cảm giác kém chuyên nghiệp, sơ sài, không gây kích thích được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Chị Đặng Thị Hoa (đường Yết Kiêu, khu phố mới Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi hội chợ để tìm kiếm những vật dụng, hàng hóa mới lạ ngoài việc mua những món hàng quen thuộc. Nhưng hai năm trở lại đây, tôi cảm giác chất lượng không còn được như trước, hàng hóa sơ sài”. Đồng ý kiến, chị Lệ Uyên (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), nói: “Tôi đi hội chợ chỉ muốn tìm mua đúng những mặt hàng của một số làng nghề như hương, trầm, nước mắm, bánh tráng Đại Lộc… Đây cũng là cách người tiêu dùng ủng hộ các làng nghề cũng như người dân đang sống bằng nghề truyền thống. Hơn nữa, vì có cơ quan chức năng phối hợp tổ chức, tâm lý cũng an tâm hơn về chất lượng so với hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, mặt hàng “rặt Quảng” vẫn chưa có nhiều chỗ đứng tại hội chợ”.
Có thể thấy, nhiều người đến hội chợ những mong tìm mua các vật phẩm có nguồn gốc xuất xứ Quảng Nam, dành sự ưu ái hơn hẳn các vật dụng khác như quần áo, hàng hóa công nghiệp. “Trung tâm chỉ chịu trách nhiệm mời, quản lý, hỗ trợ các gian hàng của làng nghề, cơ sở trong tỉnh. Các gian hàng ngoại tỉnh là do công ty tổ chức Hà Thanh Trí mời tham gia. Chất lượng các gian hàng ngoại tỉnh được công ty cam kết với chúng tôi” - ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, nói. Rõ ràng, hầu hết khách tham quan hội chợ đều nhận định các gian hàng trong tỉnh được săn đón và chất lượng tốt, còn những gian hàng ngoại tỉnh không được mặn mà cho lắm. Thậm chí nếu không nói rằng, chất lượng các gian ngoại tỉnh làm ảnh hưởng đến không gian, chất lượng hội chợ. Việc xã hội hóa hội chợ là chủ trương đúng đắn nhưng trong thực tế thời gian gần đây lại có chiều hướng đi ngược lại, gây ảnh hưởng đến chất lượng của sự kiện vốn được người dân chờ đợi trong một năm. Nên chăng, cần có sự thay đổi trong cách tổ chức, quản lý hội chợ trong những năm tiếp theo?
CHIÊU THỤC ANH