(QNO) - Hỏi: Mẹ tôi bị bệnh nội tiết, thường xuyên phải nhập viện khám và điều trị; thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu của mẹ tôi tại trung tâm y tế huyện. Tôi được biết, chính sách BHYT có cho phép trường hợp tham gia BHYT lâu năm sẽ được hưởng 100% chi phí. Vậy hàng tháng mẹ tôi muốn tự về Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám chữa bệnh thì được hưởng chế độ BHYT như thế nào?
Trả lời: Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (sửa đổi Điều 22 tại Điểm c Khoản 5) quy định: Người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh theo quy định được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bện trong phạm vi được hưởng với mức 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Trường hợp có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định theo tỷ lệ sau (trừ trường hợp là người có thẻ BHYT dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sống tại vùng kinh tế, xã hội khó khăn; người có thẻ BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo):
- Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày luật này có hiệu lực đến ngày 31.12.2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1.1.2021 trong phạm vi cả nước;
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám chữa bệnh từ ngày 1.1.2016.
Hỏi: Tôi muốn biết tại sao lại quy định người hoạt động không chuyên trách không được hưởng trợ cấp thai sản trong khi vẫn phải đi làm và đóng các loại phí như những trường hợp khác? Nếu không được thanh toán giống trường hợp người lao động khác thì thu BHXH bắt buộc để làm gì?
Trả lời: Theo Luật BHXH năm 2014 quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, được đóng BHXH đối với hai chế độ là hưu trí, tử tuất, không đóng BHXH đối với chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và không thuộc đối tượng áp dụng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.