Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 13/12/2019 14:02

(QNO) - Hỏi: Theo pháp luật hình sự, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời: Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động như sau:

1. Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm:

a) Phạm tội 2 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản 1 điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại Điểm b hoặc Điểm c Khoản 2 điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.

Hỏi: Theo quy định hiện hành, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giám đốc BHXH cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN?

Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy địnhh cụ thể tại Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31.3.2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, Điều 7 Nghị định 21/2016 quy định:

1. Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương, BHXH cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo BHXH Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quy định tại Khoản 1 điều này giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN của BHXH cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quy định tại Khoản 1 điều này.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8 Nghị định 21/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của giám đốc BHXH cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.

2. Quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 nghị định này và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN.

3. Kiến nghị các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 7 nghị định này xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.

4. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về BHXH, BHYT, BHTN và đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO