Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM 23/10/2018 07:27

Tin liên quan

  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

(QNO) - Một số câu hỏi - đáp về chính sách BHXH, BHYT.

Trường hợp nào phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc?

Một bạn hỏi: Công ty tôi hiện đang ký hợp đồng với một số lao động đã nghỉ hưu (đang hưởng chế độ hưu trí) để họ làm một số công việc thường xuyên như bảo vệ thì công ty có phải đóng BHXH bắt buộc cho họ không? Ngoài ra công ty cũng mới tuyển một số lao động trên 60 tuổi, người lao động trẻ thuộc diện tham gia bắt buộc khác nhưng họ đã đóng BHXH tự nguyện thì công ty phải xử lý thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 9 Điều 123 Luật BHXH thì người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, trường hợp người lao động (NLĐ) đã nghỉ và hưởng chế độ hưu trí hàng tháng mà tiếp tục làm việc tại công ty không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Về trường hợp NLĐ trên 60 tuổi, NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH mà không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 123 Luật BHXH và được quy định chi tiết tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì NLĐ và người sử dụng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ và trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định của Luật BHXH để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.

Cách tính tỷ lệ lương hưu hằng tháng của quân nhân

Một số bạn đọc hỏi: Tỷ lệ lương hưu hằng tháng của quân nhân hiện nay và những năm tới được tính như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10.5.2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân:

1. Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu (sau đây gọi chung là NLĐ) được tính bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

2. Tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật BHXH được tính như sau:

a) NLĐ bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2016 đến trước ngày 1.1.2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

b) Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

c) Lao động nam bắt đầu hưởnglương hưu hằng tháng kể từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:

- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2018: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 16 năm;

- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2019: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 17 năm;

- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2020: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 18 năm;

- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2021: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 19 năm;

- Từ 2022 trở đi, thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 20 năm.

3. Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH, được xác định như sau:

a) NLĐ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 nghị định này làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ;

b) NLĐ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi đối với nam và đủ 45 tuổi đối với nữ;

c) Trường hợp hồ sơ của NLĐ không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1.1 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.

4. Cách tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng do nghỉ hưu trước tuổi thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH.    

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO