|
(QNO) - Hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc liên tục được 5 năm 6 tháng. Sắp tới tôi sinh con và sẽ nghỉ chế độ thai sản 6 tháng dự kiến từ tháng 3.2018 đến hết tháng 8.2018, như vậy sẽ có 2 tháng nghỉ trùng với tháng nghỉ phép theo chế độ giáo viên của tôi. Vậy tôi muốn biết thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ phép có quy định tính lùi thời gian nghỉ phép lại để tôi được hưởng cả 2 chế độ này không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
- Khoản 1, Điều 34 Luật BHXH năm 2014 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
- Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Đối chiếu với các quy định nêu trên, bà có thể xin nghỉ thai sản trước khi sinh con 2 tháng; thời gian nghỉ trùng giữa nghỉ thai sản và nghỉ hàng năm (nghỉ phép) không có quy định tính lùi.
Hỏi: Tôi đã đóng BHXH bắt buộc 174 tháng và chốt sổ vào tháng 3.2017, tháng 5.2017 tôi đã đủ 60 tuổi và hiện đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 10.11.2017. Tôi muốn đóng một lần cho 66 tháng còn thiếu để hưởng lương hưu hàng tháng. Xin hỏi, nếu chọn mức 10.000.000 đồng thì số tiền đóng một lần là: 10.000.000 x 22% x 66 tháng có đúng không và ngoài ra có phải đóng thêm khoản nào khác không? Nếu tôi đóng đủ tiền trong tháng 10 thì tôi có được hưởng lương hưu từ tháng 12.2017?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Mức tham gia do người lao động lựa chọn thấp nhất bằng chuẩn nghèo nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Thực hiện theo quy định trên, trường hợp ông đã đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) và có quá trình tham gia BHXH 174 tháng thì đóng BHXH tự nguyện một lần cho 66 tháng còn thiếu để đủ 20 năm và hưởng ngay chế độ hưu trí từ tháng liền kề tháng đóng đủ tiền.
- Nếu chọn mức 10.000.000 đ thì số tiền đóng một lần là: 10.000.000 x 22% x tổng hệ số của tổng số tháng đóng đủ 20 năm = 182.312.076 đồng (Bảng phụ lục tổng hệ số của tổng số tháng đóng đủ 20 năm ban hành kèm theo Công văn số 869/BHXH-QLT).
- Nếu đóng đủ tiền trong tháng 10 thì có được hưởng lương hưu từ tháng liền kề tháng đóng đủ tiền.
Để tham gia BHXH tự nguyện, đề nghị ông liên hệ với đại lý thu BHXH bưu điện để đăng ký.
Hỏi: Tôi đã đóng BHXH bắt buộc được 3 tháng. Nay tôi tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ 6 tháng để hưởng chế độ thai sản được không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Điều 31 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
1. Người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
2. NLĐ quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Do đó, nếu bạn đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên và có đóng BHXH đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con mà phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Nếu bạn không thuộc trường hợp trên thì sẽ không được hưởng chế độ thai sản dù có đóng BHXH tự nguyện thêm cho đủ 6 tháng, vì hiện nay BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản.
Hỏi: Tôi 34 tuổi, đi làm đến ngày 31.3.2017 được 13 năm 5 tháng. Thời gian đóng BHXH liên tục là 12 năm 7 tháng (đến ngày 31.7.2016). Tôi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, có quyết định từ ngày 1.4.2017 nhưng đến nay chưa được chốt sổ BHXH. Nếu tôi muốn tiếp tục tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện thì phải làm những thủ tục gì? Các chế độ phép năm 2016 và bảo hiểm thất nghiệp có được thanh toán không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH, bà thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Bà lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Trong đó, kê khai đầy đủ các nội dung liên quan đến nhân thân, nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú), mức lựa chọn để tính đóng BHXH, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH, mức đóng BHXH/tháng, phương thức đóng BHXH và hình thức nộp tiền, nộp cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH để xem xét, giải quyết.
Chế độ nghỉ phép năm 2016 của bà do đơn vị sử dụng lao động thanh toán theo quy định của Bộ luật Lao động. Để thanh toán chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bà liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm nơi bà cư trú để được hướng dẫn giải quyết.
Hỏi: Tôi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng 1.2013. Đến đầu tháng 3.2016 do gia đình có việc nên tôi nghỉ việc tại công ty, không đóng bảo hiểm nữa. Vậy quý cơ quan cho tôi hỏi, giờ tôi muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cách tính trợ cấp thất nghiệp của tôi như thế nào?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 1, Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định về mức hưởng, thời gian, thời điểm hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như sau:
"Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc".
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn hàng tháng sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Bạn có thể căn cứ theo quy định trên để tính mức đóng của mình, hoặc đến BHXH quận, huyện nơi bạn sinh sống để được tư vấn cụ thể.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM