|
(QNO) - Hỏi: "Tôi đi nghĩa vụ quân sự từ năm 2011-2013. Trước khi đi nghĩa vụ tôi đã từng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại một công ty tư nhân và sau khi xuất ngũ thì làm việc cho một đơn vị sự nghiệp. Xin hỏi thời gian tại ngũ của tôi có được tính là thời gian tham gia BHXH và có được cộng dồn để tính chế độ BHXH sau này?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Thông tư 95/2016/TT-BQP quy định: Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng BHXH để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH. Cụ thể, trường hợp trước khi nhập ngũ có thời gian làm việc, đóng BHXH bắt buộc, nếu xuất ngũ về địa phương thì được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó với thời gian tại ngũ để tính hưởng chế độ BHXH và do BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết. Trường hợp trước khi nhập ngũ có thời gian làm việc, đóng BHXH bắt buộc, sau đó xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc các cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng BHXH thì được cộng thời gian trước đó với thời gian tại ngũ và thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng chế độ BHXH. Như vậy, thời gian tại ngũ của anh được tính là thời gian tham gia BHXH và được cộng dồn vào quá trình tham gia BHXH trước đó để tính chế độ BHXH sau này.
Hỏi: Khi con ốm, cả cha và mẹ đồng thời nghỉ hưởng trợ cấp chăm sóc con ốm có được không? Trường hợp cha hoặc mẹ nghỉ phép năm hoặc nghỉ không hưởng lương để chăm sóc con ốm thì có được hưởng trợ cấp BHXH không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Theo quy định tại điều 27 Luật BHXH, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì khi con ốm đau, chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ hưởng chế độ BHXH để chăm sóc con. Cụ thể, thời gian hưởng chế độ nghỉ chăm sóc con ốm trong năm cho mỗi con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi. Thời gian nghỉ hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc. Trường hợp cha hoặc mẹ nghỉ phép năm hay nghỉ không lương để chăm sóc con ốm đều không được hưởng trợ cấp BHXH.
Hỏi: Hiện tại tôi có bầu được 31 tuần, tôi nghỉ việc từ ngày 20.4.2017 nhưng đến ngày 15.6, công ty mới chốt sổ BHXH cho tôi. Tôi muốn hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước chế độ thai sản. Vậy sinh xong tôi có được làm thủ tục nhận chế độ thai sản không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Thứ nhất, về trợ cấp thất nghiệp: Điều 49 Luật Việc làm quy định: Người lao động (NLĐ) quy định tại khoản 1, Điều 43 của luật này đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV), trừ các trường hợp sau đây: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, hoặc HĐLV đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 43 của luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; e) Chết. Như vậy, nếu NLĐ khi đáp ứng đủ điều kiện trên thì được hưởng TCTN.
Thứ hai, về chế độ thai sản khi sinh con: Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản: 1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con. 2. NLĐ quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Nếu đáp ứng đủ điều kiện trên bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Vì hai chế độ này hoàn toàn độc lập với nhau, nên nếu bạn có đủ điều kiện thì vừa được hưởng TCTN và vừa được hưởng chế độ thai sản cùng lúc.
Hỏi: Theo quy định, từ năm 2018, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm lương, phụ cấp và các khoản trợ cấp khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. BHXH Việt Nam có thể hoãn thực hiện việc thu BHXH theo quy định trên một thời gian để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ năm 2018 đã được Chính phủ quy định, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Như vậy, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là quy định của pháp luật, BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện nên không có thẩm quyền quyết định hoãn theo đề nghị của công ty. Mặt khác, việc đóng BHXH trên mức lương thực tế sẽ bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động.
Hỏi: Tôi là thương binh hạng 2/4. Giấy tờ xuất ngũ và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ghi năm sinh là 1953, nhưng chứng minh nhân dân ghi năm sinh 1952, Vì vậy khi đi khám chữa bệnh không được hưởng BHYT. Vậy, tôi cần làm gì để được hưởng BHYT?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 1 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26.7.2016 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì: “Chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện cung cấp danh sách người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng cho UBND cấp xã để làm căn cứ lập danh sách tham gia BHYT và triển khai thực hiện việc xác định đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn, đối chiếu với cơ quan BHXH cấp huyện”.
Trường hợp của đối tượng nếu hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ xác nhận là thương binh và giấy tờ tùy thân không khớp về năm sinh, đề nghị liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH nơi lập danh sách cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh năm sinh ghi trên thẻ BHYT.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM