|
(QNO) - Hỏi: Tôi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện huyện, nay tôi muốn sinh con ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vậy tôi có được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến không?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trả lời như sau:
Bạn cần mang thẻ BHYT và các giấy tờ liên quan đến phòng khám hoặc bệnh viện nơi bạn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển tuyến (có giá trị trong 10 ngày) lên bệnh viện tuyến tỉnh để được hưởng BHYT đúng tuyến.
Hỏi: Tôi có thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, muốn sinh con tại Bệnh viện Sản - nhi ở Đà Nẵng. Vậy, tôi có được hưởng BHYT không? Trường hợp sinh thường hay sinh mổ thì mức hưởng như thế nào?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 5 và Khoản 8, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh mà không phải trong tình trạng cấp cứu trong thời gian tạm trú thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT, phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.
Theo đó, để được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng của bạn khi sinh con tại Bệnh viện Sản - nhi ở Đà Nẵng, đề nghị bạn xuất trình thẻ BHYT và giấy chuyển tuyến của bệnh viện (là cơ sở cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật với Bệnh viện Sản - nhi Đà Nẵng) hoặc giấy tạm trú tại Đà Nẵng. Trường hợp bạn tự đến sinh con (không trong tình trạng cấp cứu) tại Bệnh viện Sản - nhi Đà Nẵng thì quỹ BHYT chỉ thanh toán cho bà 60% chi trí điều trị nội trú.
Việc sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh và chỉ định của bác sĩ điều trị. Do đó, trường hợp bạn được bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy thai thì quỹ BHYT vẫn thanh toán theo đúng phạm vi và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.
Hỏi: Mẹ tôi có thời gian làm việc thực tế từ 15 đến 20 năm, đủ 55 tuổi, đủ điều kiện hưởng trợ cấp từ ngày 1.5.2010 nhưng đến năm 2016 mới làm hồ sơ hưởng chế độ. Vậy, mẹ của tôi có được truy lĩnh tiền trợ cấp mất sức lao động từ ngày 1.5.2010 không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 16/2010/TT-BLĐTBXH ngày 1.6.2010 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6.5.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hàng tháng của những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng cụ thể như sau:
- Người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng và hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) trước ngày 1.7.2010 được hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 1.5.2010;
- Người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng nhưng đến ngày 1.7.2010 chưa hết tuổi lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày mồng 1 tháng liền kề sau tháng người lao động hết tuổi lao động...
Trường hợp mẹ của bạn nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 1.5.2010 thì được giải quyết hưởng từ ngày 1.5.2010 và truy lĩnh trợ cấp hàng tháng theo quy định.
Hỏi: Công ty tôi đăng ký trụ sở chính tại tỉnh Quảng Nam, và đang tham gia đóng BHXH cho nhân viên, nay chuyển trụ sở chính trên giấy đăng ký kinh doanh về tỉnh khác. Vậy công ty chúng tôi cần làm những thủ tục gì. Cảm ơn!
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Sau khi công ty đã thay đổi giẩy phép đăng ký kinh doanh, chuyển địa điểm trụ sở thì công ty cần làm những thủ tục hồ sơ để chuyển nơi đăng ký tham gia bảo hiểm sang Cơ quan BHXH nơi đặt trụ sở mới (Theo công văn số 1366/BHXH-THU hướng dẫn quy trình chuyển nơi đăng ký tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)) như sau:
Bước 1: Báo giảm BHXH, BHYT, BHTN và chốt sổ BHXH đối với cơ quan BHXH nơi đi.
Thành phần hồ sơ gồm:
- Phiếu giao nhận hồ sơ ngưng tham gia BHXH (mẫu 106, 2 bản);
- Giấy phép kinh doanh bản sao (1 bản);
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS, 1 bản);
- Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng (1 thẻ/người);
- Chứng từ nộp tiền - nếu có (bản sao).
Bước 2: Báo tăng BHXH, BHYT, BHTN đối với cơ quan BHXH nơi đến.
Thành phần hồ sơ gồm:
- Bộ hồ sơ cơ quan BHXH gửi về như ở trên;
- Phiếu giao nhận hồ sơ đăng ký BHXH, BHYT bắt buộc (mẫu 101, 2 bản);
- Phiếu đăng ký tham gia BHXH, BHYT (mẫu 01/ĐKBB, 1 bản);
- Quyết định thành lập hoặc Giấy phép kinh doanh/hoạt động (bản sao có chứng thực);
- Danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS, 1 bản);
- Tờ khai tham gia BHXH, BHYT đối với người tham gia BHXH lần đầu (Mẫu số TK1-TS, 1 bản/người);
- Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT của cơ quan BHXH tham gia trước đó (mẫu C12-TS, 1 bản).
Hỏi: Theo Luật Vệ sinh an toàn lao động có hiệu lực từ ngày 1.7.2016 thì hồ sơ giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) không cần nộp biên bản điều tra TNLĐ nhưng theo Quyết định 636/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam thì lại có biên bản. Xin hỏi, hồ sơ giải quyết TNLĐ được quy định như nào?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 3647/LĐTBXH-ATLĐ ngày 7.7.2016 và văn bản triển khai thực hiện của BHXH Việt Nam ngày 21.9.2016 thì đối với trường hợp bị TNLĐ điều trị xong ra viện hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ TNLĐ không cần biên bản điều tra TNLĐ.
Tuy nhiên, tại văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ do đơn vị lập cần bổ sung tiêu thức "Biên bản điều tra TNLĐ số… ngày… tháng… năm… của Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở (nếu do Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở thực hiện) hoặc cấp tỉnh (nếu do Đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh thực hiện) hoặc cấp Trung ương (nếu do Đoàn điều tra TNLĐ cấp Trung ương thực hiện); trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì ghi thêm nội dung: (biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn lập ngày... tháng... năm... của...)”. Như vậy, nếu bạn điều trị xong ra viện trước ngày 1.7.2016 thì hồ sơ vẫn phải có biên bản điều tra TNLĐ và các giấy tờ khác theo quy định tại Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22.4.2016 của BHXH Việt Nam; trường hợp bà điều trị xong ra viện từ ngày 1.7.2016 thì hồ sơ không cần biên bản điều tra TNLĐ.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM