Từ ngày 5-10.8, tại Nay Pyi Taw của Myanmar diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (AMM-47) cùng các hội nghị quan trọng liên quan.
AMM được xem là hội nghị cấp bộ trưởng quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Bên cạnh AMM-47 là các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các đối tác: gồm ASEAN+1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Canada, Australia, New Zealand), ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 (AES-4), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21.
các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp ngày 10.5 tại Myanmar. |
AMM-47 diễn ra trong lúc các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng an ninh - chính trị, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa - xã hội, theo đúng lịch trình đề ra vào ngày 31.12.2015. Tuy nhiên, ASEAN hiện đối mặt với không ít những thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, tiếp tục tác động không nhỏ tới hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực… Trước hành động gây hấn biển Đông của Trung Quốc bằng việc hạ đặt giàn khoan trái phép HD-981 vào sâu trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt 75 ngày kể từ ngày 2.5, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong cuộc họp ngày 10.5 vừa qua tại Myanmar đã ra Tuyên bố chung về tình hình biển Đông. Trong đó, kêu gọi các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các tuyên bố đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Đặc biệt tại hội nghị lần này, Philippines cho biết sẽ giới thiệu một “kế hoạch hành động ba phần”, gồm hành động tức thời, kế hoạch trung hạn và giải pháp cuối cùng nhằm làm giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước khác trong vùng biển Đông. Ngoài ra, Philippines hối thúc ngay lập tức hoãn lại các hoạt động đặc biệt làm leo thang căng thẳng trong khu vực, áp dụng toàn bộ DOC mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế. Cũng từ ngày 1.8, khoảng 9.000 tàu cá của Trung Quốc đã đồng loạt ra khơi, hướng tới ngư trường biển Đông đánh bắt.
Tại các hội nghị lần này, dự kiến sẽ có một số văn kiện như: Thông cáo chung của AMM-47, Tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 và Tuyên bố của Chủ tịch các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS-4).
Cũng trong dịp này, tại Nay Pyi Taw sẽ diễn ra các hội nghị cấp bộ trưởng trong khuôn khổ hợp tác Mekong và các đối tác gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước vùng hạ lưu sông Mekong lần thứ 7; Những người bạn của các nước vùng hạ lưu sông Mekong lần thứ 4; Các nước lưu vực sông Hằng - sông Mekong lần thứ 7 và các nước lưu vực sông Mekong - Nhật Bản lần thứ 7.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)