Là trung tâm tỉnh lỵ, lại là đô thị loại II có nhiều tiềm năng lợi thế, song du lịch sinh thái Tam Kỳ như cô gái đẹp chưa tỉnh giấc. Vì vậy, một cuộc hội thảo nhằm tìm giải pháp phát triển du lịch sinh thái văn hóa dựa vào cộng đồng do UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với Tổ chức định cư con người Liên hiệp quốc (UN Habitat) và Trung tâm đào tạo quốc tế về đô thị Hàn Quốc (IUTC) vừa được tổ chức cuối tháng 2 vừa qua.
Tham gia hội thảo có tiến sĩ Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình UN Habitat Việt Nam, giáo sư Kwi Gon Kim - Giám đốc IUTC, các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực đô thị và du lịch, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, TP.Tam Kỳ.
Tiềm năng còn ngủ yên
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thành phố có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, đa dạng như hồ Sông Đầm, địa đạo Kỳ Anh, bãi biển Tam Thanh, phía tây có hồ Phú Ninh. Tam Kỳ cũng còn gìn giữ và phát triển nhiều công trình di tích văn hóa, lịch sử, loại hình nghệ thuật, sinh hoạt dân gian. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch còn hạn chế do nguồn lực về nhân sự, tài chính, chuyên gia của địa phương còn yếu; nhân lực chưa được đào tạo bài bản; các dịch vụ, sản phẩm du lịch phát triển tự phát, thiếu định hướng. “Mục tiêu của hội thảo là nâng cao năng lực của những người công tác ở địa phương và các bên liên quan nhằm phát triển du lịch sinh thái TP.Tam Kỳ. Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và marketing quảng bá thương hiệu du lịch sinh thái văn hóa Tam Kỳ đến với mọi người” - ông Nam nói.
Bãi biển Tam Thanh là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng chưa được phát huy. Ảnh: X.P |
Với lợi thế về sông, hồ, biển, theo định hướng quy hoạch, Tam Kỳ sẽ hình thành các khu vực nghỉ dưỡng ven bãi biển Tam Thanh, ven sông Trường Giang, hồ Sông Đầm nhằm tận dụng cảnh quan thiên nhiên phong phú, vừa kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Phát huy vốn thiên nhiên trù phú của hồ Sông Đầm để hình thành không gian công viên du lịch sinh thái; nâng cấp cải tạo các làng xóm hiện hữu ven khu vực hồ cùng với bảo tồn các nghề truyền thống. Chung quanh hồ Phú Ninh có cảnh quan thiên nhiên đẹp và phong phú sẽ xây dựng không gian có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Cạnh đó, Tam Kỳ còn tập trung phát triển thế mạnh du lịch đến từ các di tích lịch sử, văn hóa như địa đạo Kỳ Anh, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Văn thánh Khổng miếu… Chia sẻ những cảm nhận về TP.Tam Kỳ, tiến sĩ Nguyễn Quang không tiếc lời khen vẻ đẹp của thành phố còn khá trẻ này: “TP.Tam Kỳ được công nhận là thành phố cảnh quan châu Á và vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II đã thể hiện nỗ lực bền bỉ và kết quả tích cực từ sự quyết tâm của lãnh đạo và người dân Tam Kỳ trong việc xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp” - tiến sĩ Nguyễn Quang nói. Còn vị giáo sư danh dự Đại học Seoul đến từ Hàn Quốc - Kwi Gon Kim cho biết: “Tam Kỳ có nhiều cảnh quan rất đẹp mà tôi vô cùng thích thú như các hồ trong lòng thành phố hay bãi biển Tam Thanh. Hội thảo là dịp để cùng tìm ra giải pháp giúp cho Tam Kỳ phát huy lợi thế tiềm năng du lịch”.
Kinh nghiệm quốc tế
Đem đến hội thảo những kinh nghiệm phát triển từ TP.Gangneung (Hàn Quốc), giáo sư Kwi Gon Kim cho biết năm 2009, Gangneung bắt tay vào xây dựng mô hình thành phố xanh. Xác định tầm nhìn chiến lược phát triển thành phố sinh thái tự nhiên dựa trên cơ sở bảo tồn và tái tạo môi trường tự nhiên; đồng thời phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn, TP.Gangneung được công nhận là thành phố khí hậu xanh đầu tiên của Hàn Quốc và nhận nhiều giải thưởng khác về môi trường. Theo giáo sư Kwi Gon Kim, xây dựng thương hiệu cho các điểm du lịch rất quan trọng, góp phần quyết định đến sự thành công và đó là bài học kinh nghiệm cho các địa phương muốn phát triển du lịch.
Trong khi đó, với tham luận “Kinh nghiệm Portland: từ tác động du lịch đến phát triển kinh tế”, bà Sara Ivey đến từ Trường Đại học Portland cho hay, thông qua việc nắm bắt những điểm độc đáo, tôn vinh những giá trị xung quanh như cảnh quan, ẩm thực địa phương, TP.Portland (bang Oregon, Mỹ) đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, giúp cho kinh tế thành phố phát triển rất mạnh. Năm 2015, có 8,9 triệu du khách đến Portland nghỉ qua đêm, doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 4,9 tỷ USD, tạo việc làm cho 34.900 lao động. Bài học phát triển du lịch, kinh tế từ Portland là gì và áp dụng các nguyên tắc đó tại Quảng Nam ra sao? Bà Sara Ivey cho rằng, có 3 nguyên tắc đó là hình thành các khu vực biểu tượng đặc trưng, tạo ra các điểm đến mà mọi người, cả người địa phương lẫn du khách đều muốn tìm đến. Thứ hai, xây dựng “thành phố sống tốt” để giữ chân và thu hút người dân cũng như nguồn lao động chất lượng đến sinh sống. Cuối cùng, đó là tập trung xây dựng các sản phẩm địa phương có chất lượng, có thể xuất khẩu và bán thương hiệu.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến còn đề cập việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và marketing, quảng bá thương hiệu cũng là một cách để phát triển du lịch hiệu quả. Giáo sư Lee Seung Koo (Trường Đại học Quốc gia Kangwon) cho rằng ngoại giao văn hóa và nỗ lực quảng bá hình ảnh quốc gia sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Ngoài ra, các bài học thực tiễn về phát triển du lịch sinh thái văn hóa dựa trên cộng đồng tại Hàn Quốc cũng được giới thiệu như là một bài học kinh nghiệm cho Tam Kỳ học tập. Rõ ràng, với những gì mà các chuyên gia mang đến tại hội thảo sẽ giúp cho các nhà quản lý, người làm công tác du lịch của TP.Tam Kỳ hoạch định chính sách hợp lý, xây dựng thương hiệu du lịch Tam Kỳ trong tương lai.
XUÂN PHÚ