“Hái cúc ương lan hương bén áo/ Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn/ Đàn cầm suối - trong tay dõi/ Còn một non xanh là cố nhân”. Không cứ gì đi giữa Côn Sơn khói sương mới nghe ngàn năm bất tuyệt tiếng thơ của Ức Trai vang hưởng thăm thẳm, mà ngay trên Ngũ Hành Sơn, cụ thể là cái Hòn Thủy chon von đối diện với biển Đông này đây, bỗng dưng “cái non xanh… cố nhân” lại tràn trong tôi.
Ngũ Hành Sơn nhìn từ xa. Ảnh: internet |
Theo hướng của bàn tay thi sĩ Phạm Hầu một thuở xa xưa nào đó, từ chỗ cái Vọng Hải đài này đây, ông đưa tay vẫy, thì quả không thể lấy cái tầm nhìn hữu hạn của mình mà soi thấu chuyện trăm năm. Cũng chính vì thế, những lối quanh co đá núi trên Hòn Thủy này, luôn khơi gợi trong tôi một nỗi ham hố khám phá kỳ lạ.
“Ở vào thời hậu công nghiệp du lịch là một nhu cầu không thể thiếu được, và người ta đến một nơi là để tìm cái mà người ta không thể tìm thấy ở nơi khác”. Đáng lẽ ra, lúc thơ mơ tựa vào vách đá Vọng Hải đài nghe gió từng ngọn, từng luồng từ biển thổi vào, trỗi lên một thứ nhạc điệu vừa mơ hồ xa vắng, vừa rười rượi như réo gọi cảm xúc lên tiếng, thường những lúc như thế người ta hay ngẫu hứng bất chợt mà hát lên hoặc cảm khái ngâm nga đôi câu thơ nào đó, nhưng bạn tôi lại không như vậy, mà lại…đa đoan lý sự, và rồi lại phân bua: “Không phải tớ nói đâu nhé, lời ấy là của ông PGS-TS. Phan Ngọc ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á nói đấy”. Suốt một ngày tôi chở anh bạn “thi sĩ làng” của tôi dạy học tít tận miền Tây Nam Bộ về thăm quê. Đã lãng du khắp Đà Nẵng - Hội An, và bây giờ trên đường quay về Đà Nẵng, mặc dầu đã cuối chiều, anh đòi phải trèo lên cho được cái Hòn Thủy trên Ngũ Hành Sơn, cái chỗ ông Phạm Hầu thời xưa “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận” ấy, để chào thi sĩ “Vọng Hải đài” trước khi tạm biệt Đà Nẵng.
Bạn tôi như một nhà du lịch “sành điệu”, đi tới đâu nói tới đó, hết chuyện xa lại tới chuyện gần. Tôi hiểu ý anh không hề khoa ngôn, cũng không hề kể chuyện Đông chuyện Tây nhằm “khoe” những chuyến đi nước ngoài của mình, mà đấy là tiếng lòng của một con dân yêu xứ sở của mình rất thực. “Không phải là một so sánh, văn hóa vùng miền nào cũng đều mang đậm dấu ấn đặc thù vùng miền đó, đấy là biên giới vô hình và thiêng liêng nữa, chính nó là sức mạnh để, như người ta thường nói, hòa nhập nhưng không hòa tan. Ta thử nhìn, ví như Pari nước Pháp…”. Nghe anh nói đến đấy, tôi định ngăn anh có vẻ bốc quá lời, nhưng bạn tôi lặp lại: “Tớ đã nói không phải là một so sánh rồi mà. Cố nhiên là cái kinh đô vừa cổ kính vừa hiện đại vào hạng bậc nhất thế giới, với sự choáng ngợp của những cung điện, biệt điện, lâu đài, với bao nhiêu viện bảo tàng, mà mới chỉ mỗi cái Le Louvre đã khó mà có thể lội xem cho hết được. Và công viên, tượng đài đến là cơ man xiết kể. Tại đấy du khách có thể gặp từ cái quan tài cổ Ai Cập đâu tự thế kỷ thứ XV trước công nguyên cho đến pho tượng chiến thắng Samothrace của Hy Lạp. Ta có thể viếng ngôi nhà của Descartes hoặc thăm mộ của thi sĩ Apollinaire… Cả thế giới xưa nay trên hành tinh này tưởng chừng như hội ngộ đông đủ ở kinh đô nước Pháp. Nhưng nói thật, tớ xúc động đến ứa nước mắt khi bắt gặp cái làng quê cổ Việt Nam thấp thoáng trong cái kinh đô ánh sáng này. Chum nước, bụi chuối, bức hoành phi, tấm liếp cửa, cái bình vôi, bóng dừa xanh… Nhân loại còn lưu giữ một góc quê nhà cho ta, không hề kiểu sức đâu, mà là tinh thần nhân văn, là bản lĩnh văn hóa”.
Vẫn theo lời anh, cái mà người ta không tìm thấy ở những nơi khác, thì năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng là đất truyền thuyết, đất từng vang danh là địa linh, nơi “núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết” (thơ cổ - Nguyễn Văn Xuân dịch). Tên núi Ngũ Hành Sơn này là do vua Minh Mạng đặt, xưa núi có tên là Non Nước. Cũng chính vua Minh Mạng đã đứng trên đỉnh núi Ngũ Hành Sơn quan sát hình sông thế núi mà phác họa bình đồ lập ra thành phố Đà Nẵng. Con đường xuyên Á hiện đại chạy qua Đà Nẵng bây giờ là sự nối tiếp vào con đường lịch sử giao thương với các nước vùng Đông Nam Á ngày xưa.
Cố nhiên là phải hiểu vị thế Ngũ Hành Sơn như một điểm nhấn, một biểu tượng nổi bật trên nền một vùng núi non sông biển đan xen hòa quyện nên thành một diện mạo độc đáo mà không dễ ở đâu có được. Đứng trên Hòn Thủy, vị trí gần biển nhất, có thể nghe rõ tiếng chạm trổ khắc mài cưa đục của dân làng nghề đá Non Nước dưới chân núi. Một làng nghề điêu khắc đá có tuổi đời hơn 400 năm, chính sức sống bền bỉ đó và sóng biển ì ầm vỗ ngoài kia cũng là một thứ tha lực khắc vào vách thời gian tiếng nói của sự trường tồn. Và đấy là một nét riêng hiếm hoi gieo vào lòng người thưởng ngoạn, mà ngày nay những tượng, những tranh khắc đá… từ nơi này, thay mặt chủ nhân của nó chào khách khắp nơi trên thế giới.
Chiều đã ngả màu hoàng hôn. Lẽ ra, khi quay về tôi sẽ đưa bạn tôi dọc ven biển để thấy hết sự mở mang của Đà Nẵng. Thế nhưng, nếu chỉ đưa anh đến đấy để thấy những nhà hàng, resort này nối tiếp resort kia tưng bừng các dự án tưởng như che kín biển thì e, như anh bảo: đã mòn nhẵn những nơi Thái Lan, Singapore mà anh đã gặp. Thậm chí những Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Vũng Tàu… còn đình đám các lễ hội biển, các cuộc thi hoa hậu, ca nhạc…Tất nhiên là phát triển du lịch thì tất cả mọi huyên náo ấy, thậm chí có nơi còn dáng dấp hào nhoáng nữa, là điều không thể tránh khỏi.
Đến lúc này bạn tôi lại ngâm nga mấy câu thơ Vọng Hải đài của thi sĩ họ Phạm như lời tạm biệt: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai.
Tùy bút NGUYỄN NHÃ TIÊN