Hợp sức cho nông thôn mới

ALĂNG NGƯỚC 19/10/2016 07:08

(QNO) - Với chủ trương "lấy thôn làm điểm, dân làm gốc, thôn nông thôn mới (NTM) làm mục tiêu", huyện Tây Giang đang tập trung toàn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, từng bước đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng luôn được Tây Giang chú trọng trong việc thực hiện NTM. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng luôn được Tây Giang chú trọng trong việc thực hiện NTM. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tập trung phát triển hạ tầng

Không nằm ngoài mục đích tập hợp sức dân cùng tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, những năm qua huyện Tây Giang đã và đang làm tốt nhiều nội dung lồng ghép, trong đó huy động được sức dân trong việc hỗ trợ đất đai, vườn tược giúp địa phương làm nơi đầu tư cơ sở hạ tầng NTM. Chính vì thế, Tây Giang được xem là một trong những địa phương của tỉnh làm tốt và hoàn thành nhanh các tiêu chí về NTM, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân, cũng như làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. 

Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu quan trọng then chốt, bằng các giải pháp cụ thể trong việc tổ chức lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án giảm nghèo của Chính phủ và nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội, địa phương đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn một cách đồng bộ. Trong đó, ưu tiên cho các hạ mục quan trọng như: điện, đường, trường, trạm và các hệ thống nước sinh hoạt, san ủi mặt bằng dân cư,... với nhiều kết quả đáng tự hào. Nhờ vậy, đã giúp Tây Giang hoàn thành nhiều tiêu chí NTM với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 90% xã có điện thắp sáng và khoảng 90% hộ dân sử dụng được nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.

"Trong 5 năm (2011 - 2016) thực hiện chương trình NTM, chúng tôi đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh nhiều dự án lồng ghép các nguồn vốn để đồng bộ hóa chủ trương vì mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho NTM hơn 724 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 55 tỷ đồng" - ông Blúi cho biết thêm.

Nhiều sân chơi truyền thống được đầu tư tại các thôn, bản phù hợp với không gian vui chơi cho trẻ miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều sân chơi truyền thống được đầu tư tại các thôn, bản phù hợp với không gian vui chơi cho trẻ miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, đến nay địa phương đã hoàn thiện các quy hoạch về NTM gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mạng lưới giao thông và phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, quy hoạch phát triển sản xuất theo 3 vùng cơ bản: ưu tiên đẩy mạnh trồng cao su, lúa nước, ba kích, rau màu các loại, chăn nuôi gia súc, nuôi cá nước ngọt và đầu tư phát triển làng nghề truyền thống tại vùng thấp; tập trung trồng cây cao su, lúa nước, ba kích, keo lai, phát triển dịch vụ và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại vùng trung; tập trung phát triển cây dược liệu sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, sả Tây Giang, tiêu rừng, táo mèo, thảo quả, măng rừng và các giống lúa nước bản địa như: prông, xươn, ađíp, ađướp,... tại vùng cao của huyện. Nhờ vậy, ngoài 2 xã Lăng và A Nông đã được công nhận đạt chuẩn, nhiều xã của Tây Giang cũng đều đạt cao các tiêu chí về NTM.

Bằng các nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp học, qua 5 năm triển khai chương trình NTM, huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng kiên cố 72 phòng học với 28 nhà công vụ giáo viên, cùng nhiều trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dậy và học cho con em đồng bào miền núi của địa phương. Theo đó, ngân sách cho việc đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo chiếm 23,91% nguồn chi ngân sách của địa phương, với hơn 403 tỷ đồng. 

Song song với đó, huyện Tây Giang cũng đã đồng bộ đầu tư nâng cấp các hệ thống kênh mương thủy lợi, đảm bảo cho việc tưới tiêu trong sản xuất của người dân địa phương. Đặc biệt, việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cũng đã đem lại niềm vui cho đồng bào miền núi khi hàng loạt các công trình tái định cư, san ủi mặt bằng được triển khai hiệu quả, giúp ổn định cuộc sống. Với 78 khu tái định cư được xây dựng tại các xã vùng cao biên giới, bộ mặt NTM ở Tây Giang đã thực sự có nhiều đổi mới, tạo động lực giúp địa phương tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và từng bước hướng đến đạt chuẩn huyện NTM theo lộ trình vào năm 2020.

Từ nguồn vốn NTM, nhiều khu tái định cư người dân được xây dựng, góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ nguồn vốn NTM, nhiều khu tái định cư người dân được xây dựng, góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đẩy nhanh giảm nghèo bền vững

Là một trong những địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM tại địa phương, xã Lăng được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc giữ vững các tiêu chí đặc thù ở miền núi, nhất là tiêu chí về văn hóa, kinh tế - xã hội. Ông Bríu Hùng - Chủ tịch UBND xã Lăng chia sẻ, do xuất phát điểm xây dựng NTM tại địa phương thấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc đổi mới, kiến thiết kết cấu hạ tầng nông thôn. Tuy vậy, với nguồn lực tại chỗ và việc lồng ghép tập trung đầu tư một cách đồng bộ, xã Lăng đã thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, nổi bật là các mô hình trồng cây dược liệu như: ba kích, đảng sâm, táo mèo,... vốn có nhiều tiềm năng và lợi thế của vùng từ lâu đời. "Ở một số thôn trên địa bàn xã, người dân nay đang dần đảm bảo thu nhập từ các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Thậm chí, nhiều hộ dân đã giảm nghèo rõ rệt từ việc trồng cây ba kích, đảng sâm" - ông Hùng nói.

Cùng với đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, huyện Tây Giang đang tiếp tục chú trọng triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và chuyển dần sang phương thức sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo lộ trình từng năm. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện có hơn 10.500 con gia súc với 90 gia trại, khu chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong vùng. Bắt đầu từ năm 2011, Tây Giang cũng triển khai hỗ trợ người dân trồng cây bản địa với mức 5 triệu đồng/ha cây ba kích, đảng sâm, tr'đin giúp mở rộng vườn cây dược liệu, khuyến khích người dân tìm hướng thoát nghèo bền vững. 

Việc mở rộng trồng cây dược liệu được xem là cơ hội giảm nghèo cho người dân miền núi Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hiệu quả từ các mô hình trồng cây dược liệu được xem là cơ hội giảm nghèo cho người dân miền núi Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong khi đó, ở hầu hết địa phương vùng thấp, nhiều năm qua đồng bào đã ứng dụng hiệu quả biện pháp "3 giảm, 3 tăng" trong áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trên cây lúa, cho năng suất trên 4 tấn/ha, đảm bảo nâng cao chất lượng năng suất cây trồng ở miền núi. Nhờ vậy, sản lượng lương thực bình quân theo đầu người tăng theo từng năm, với ước tính đến năm 2016 có trên 254kg/người, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 41,91% vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, từ các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi của Chính phủ, Tây Giang cũng đã giải quyết kịp thời cho hơn 4.000 lượt hộ dân vay vốn, với tổng số tiền trên 71 tỷ đồng, giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, với đặc thù miền núi nên việc triển khai chương trình NTM ở Tây Giang cũng gặp không ít khó khăn do trình độ dân trí chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, cũng như xuất phát điểm đầu tư NTM còn khá thấp so với nhiều vùng khác. Do vậy, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Arất Blúi kiến nghị tỉnh cần tạo điều kiện giúp đỡ đặt biệt cho Tây Giang trong xây dựng NTM, nhất là nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng để địa phương bổ sung đầu tư các hạng mục cần thiết, hướng đến việc công nhận đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020 đảm bảo theo đúng kế hoạch.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp sức cho nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO