Hợp tác xã linh hoạt mở hướng đi

CÔNG TÚ 11/08/2022 06:55

Thích ứng với cơ chế thị trường, nhiều hợp tác xã mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn mô hình phù hợp như xây dựng sản phẩm OCOP, sản xuất kinh doanh gắn chuỗi giá trị sản phẩm, nhờ vậy đã tự chủ hoạt động, tạo dựng thương hiệu, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn.

Nhiều HTX của tỉnh có sản phẩm OCOP tham dự Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022 (EWEC - Đà Nẵng 2022). Ảnh: H.T
Nhiều HTX của tỉnh có sản phẩm OCOP tham dự Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022 (EWEC - Đà Nẵng 2022). Ảnh: H.T

Gắn chuỗi giá trị sản phẩm

Những năm trước đây, các hợp tác xã (HTX), nông dân luôn rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Doanh nghiệp (DN) chỉ thu mua tại kho, hoặc thu mua chủ yếu thông qua các thương lái. Từ đây, nông dân hay bị thương lái ép giá và kéo dài thời gian thanh toán tiền, dẫn đến lâm vào cảnh khó khăn...

“DN trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm chủ lực với từng hộ nông dân, không ký với HTX nên tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa DN và nông dân, giữa nông dân và DN thường xuyên xảy ra.

Giá sản phẩm không ổn định, hoặc do thương lái đưa giá ảo lên để phá giá và cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN với nhau đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của thành viên HTX, gây bất ổn kinh tế tại địa phương” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Võ Bảy phân tích.

Nhằm dần tháo gỡ vướng mắc, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phối hợp cùng các địa phương cấp huyện thực hiện mô hình HTX điểm sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Qua thí điểm cho thấy, giá trị nông sản làm ra cao hơn 20 - 30%. HTX chủ động ký kết hợp đồng với thành viên, hộ gia đình về sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử, HTX Nông nghiệp Tam Hòa (Núi Thành) liên kết với 40 hộ dân chuyên trồng rau câu chỉ vàng, diện tích sản xuất tăng lên 40ha. Thực tế chứng minh, mô hình liên kết giữa DN - HTX - hộ nông dân được xem là ưu việt nhất trong tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Thành công Điển hình là xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa giống có HTX Nông nghiệp 1 Điện Phước (Điện Bàn). Giám đốc HTX - ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đơn vị đã phối hợp dồn điền đổi thửa và xây dựng 4 cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa giống với gần 180ha.

Liên doanh, liên kết với các công ty giống có uy tín để tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa giống. Với sự hỗ trợ của cấp trên, HTX xây dựng gần 1.000m2 nhà xưởng, 4.000m2 sân phơi cùng hệ thống chế biến lúa giống gồm 4 lò sấy công suất 40 tấn/ngày, 3 máy sơ chế, 1 băng tải và 3 máy hút lúa.

Điện, thủy lợi, kênh mương được đầu tư phục vụ tốt hoạt động dịch vụ. Theo đó, mỗi năm sản xuất 1.200 - 1.300 tấn lúa giống, mang lại doanh thu cho HTX hơn 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 93 lao động thời vụ; còn nông dân có khoản thu nhập thêm hơn 1 tỷ đồng.

Hiệu ứng OCOP

HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức) chuyên sản xuất nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi; cung cấp giống, phôi nấm các loại. HTX này đã giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên, mức lương mỗi tháng 4,5 triệu đồng/người. Tham gia OCOP, HTX có 2 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao gồm “Nấm bào ngư sấy tẩm” (năm 2018) và “Trà linh chi túi lọc” (năm 2021).

HTX Nông nghiệp 1 Điện Phước cung cấp lúa giống cho DN sau khi thu hoạch và sơ chế. Ảnh: CT
HTX Nông nghiệp 1 Điện Phước cung cấp lúa giống cho DN sau khi thu hoạch và sơ chế. Ảnh: CT

Giám đốc HTX - Nguyễn Thị Minh Thủy chia sẻ, đó là động lực để HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một số loại nấm cao cấp, đầu tư máy móc hiện đại. Xây dựng website, kênh phân phối online, thiết lập hệ thống phân phối và đại lý tiêu thụ trên toàn quốc; đào tạo nhân lực có nghiệp vụ bán hàng và marketing sản phẩm. HTX tìm kiếm đối tác tiềm năng, ký kết đơn hàng lớn với giá cao, từ đó nâng cao giá thu mua cho các hộ vệ tinh.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 84 tổ hợp tác, HTX tham gia chương trình OCOP và có nhiều sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao. Bằng tâm huyết và sáng tạo không ngừng, HTX đưa ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng mang thương hiệu và dần có chỗ đứng vững chắc. Qua đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, khôi phục sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề nói riêng.

Theo ông Võ Bảy, đây là cơ hội để các HTX không chỉ khôi phục, phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới mà còn mở ra hướng tiếp cận những kỹ năng quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh.

Cạnh đó, HTX tham gia OCOP sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, học tập từ các chuyên gia, đơn vị hoạt động có hiệu quả để tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng thực tiễn cho mình. Đồng thời hưởng lợi từ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác xã linh hoạt mở hướng đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO