Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Điện Ngọc I (thị xã Điện Bàn) không chỉ làm tốt vai trò “bà đỡ” cho nhà nông trên lĩnh vực trồng trọt mà còn chú trọng mở rộng các loại hình dịch vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Tiếp sức cho nông dân
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khối phố Viêm Trung (phường Điện Ngọc) cho biết, mỗi vụ gia đình ông canh tác gần 4 sào lúa, chủ yếu sử dụng giống Xi23. Ông và các hộ dân khác trong vùng đã tham gia gói dịch vụ bảo vệ thực vật do HTX nông nghiệp Điện Ngọc I đảm nhận. Ông Dũng chia sẻ: “Mấy chục năm nay, HTX nông nghiệp Điện Ngọc I triển khai dịch vụ bảo vệ thực vật rất hiệu quả, trong khi đó mức phí thu của nông dân tương đối thấp, chỉ 65 nghìn đồng/sào/năm. Nếu gặp trường hợp lúa mất mùa do sâu bệnh gây ra thì nhà nông sẽ được đền bù một cách thỏa đáng. Nhờ khâu phòng trừ dịch hại trên cây lúa hoàn toàn do các cán bộ kỹ thuật của HTX lo liệu nên vụ nào địa phương cũng được mùa. Riêng hè thu 2016, bình quân 1 sào thu về 360kg lúa khô, tăng ít nhất 60kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.
Nhờ kinh doanh xăng dầu, HTX nông nghiệp Điện Ngọc I có nguồn thu rất lớn. |
Theo tìm hiểu, mỗi vụ xã viên của HTX nông nghiệp Điện Ngọc I gieo sạ 135ha lúa, tập trung ở 4 khối phố Viêm Trung, Ngân Hà, Ngân Giang, Ngân Câu. Ông Huỳnh Hiền - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I cho hay, nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, nhiều năm qua đơn vị duy trì việc thực hiện gói dịch vụ bảo vệ thực vật. Để mô hình này phát huy tối đa hiệu quả, HTX thành lập hẳn một đội ngũ kỹ thuật gồm 11 thành viên, chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên và kịp thời phun trừ dịch hại trên các cánh đồng lúa. Từ khi áp dụng mô hình trên, chưa có khi nào xảy ra tình trạng mất mùa do sâu bệnh phá hoại, năng suất tăng từ 45 tạ/ha năm 2010 lên 60 tạ/ha vào năm 2016. “Với chừng đó diện tích đất canh tác lúa, hàng năm chúng tôi thu phí dịch vụ của xã viên là 169 triệu đồng. Nếu tính tiền trả công lao động cho đội ngũ kỹ thuật, mua thuốc bảo vệ thực vật và sắm các trang thiết bị thì khoản tiền ấy không đủ chi nên buộc HTX phải lấy số lãi từ những hoạt động dịch vụ khác để bù đắp qua. Tuy nhiên, HTX xác định vẫn sẽ duy trì mô hình này vì đây là gói dịch vụ rất hữu ích, nó thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” thực thụ của nông dân” - ông Hiền nói.
Những năm qua, HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I cũng thực hiện khá tốt dịch vụ thủy nông. Hiện nay, đơn vị quản lý, vận hành 2 trạm bơm điện là Tứ Câu và Thanh Quýt cùng hệ thống kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 7km. Trong số 7km kênh mương này thì đã tiến hành bê tông hóa được 4,5km với số tiền gần 3,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 65% và HTX đầu tư 35%. Theo dự kiến, năm 2017 HTX sẽ tranh thủ huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh nhằm đảm bảo nguồn nước tưới. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp xã viên của HTX tiếp tục liên kết sản xuất 25ha lúa giống hàng hóa với các doanh nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Mở rộng loại hình dịch vụ
Ngày 28.10.1978, HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Trải qua 38 năm với 23 kỳ đại hội cùng nhiều giai đoạn chuyển đổi từ các loại hình HTX khác nhau, đơn vị không ngừng nỗ lực vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức và vươn lên khẳng định vị thế của mình trong bức tranh kinh tế hợp tác toàn tỉnh. Theo dự tính, năm 2016 này tổng doanh thu của HTX sẽ đạt hơn 28 tỷ đồng và lãi ròng không dưới 450 triệu đồng. Được biết, ngoài đội ngũ cán bộ của HTX, những năm qua đơn vị này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động ở địa phương với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. |
Điện Ngọc là địa phương có tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh. Vì thế, nếu chỉ ưu tiên đầu tư các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thuần túy thì HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I khó có thể trụ vững trong thời buổi kinh tế thị trường. Xuất phát từ thực tiễn đó, ban quản trị HTX luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm đưa đơn vị đi lên, phát triển bền vững. Ông Phạm Kiệt - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I cho biết, nhờ nhạy bén, linh hoạt đa dạng hóa loại hình sản xuất kinh doanh nên đơn vị sớm đầu tư xây dựng cửa hàng và tổ chức hoạt động dịch vụ cung ứng xăng dầu, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động. Đây là hình thức kinh doanh mang lại nguồn thu rất lớn cho HTX và tạo điều kiện cho thành viên mua nợ nhiên liệu để phục vụ các loại hình sản xuất khác. Riêng năm 2015, đơn vị bán ra gần 1,4 triệu lít xăng dầu cho khách hàng với tổng doanh thu 20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thì HTX lãi ròng 300 triệu đồng.
Cùng với xăng dầu, kinh doanh điện năng cũng mang lại nguồn thu khá cao cho đơn vị. Theo ông Kiệt, ngoài 2 trạm biến áp 560kVA và 250kVA tại khối phố Viêm Trung, Ngân Hà do Nhà nước quản lý thì năm ngoái HTX đầu tư 550 triệu đồng xây dựng thêm một trạm biến áp 250kVA ở khối phố Ngân Câu. Đồng thời kéo gần 13km đường dây hạ thế để truyền tải điện. Qua thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm xấp xỉ 3,7 triệu kwh điện được cung ứng cho 1.817 khách hàng… Ngoài ra, hiện nay HTX còn liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, sản xuất nước uống đóng chai mang nhãn hiệu Ngân Hà, cho thuê mặt bằng làm bãi cát sạn, cho thuê nhà xưởng làm cơ sở in hoa trên vải và gia công mắm ruốc. Ông Phạm Kiệt nói: “Nhờ kịp thời đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh, thích nghi nhanh với môi trường hội nhập nên những năm qua các loại hình dịch vụ của HTX đều có mức lãi khá cao, đảm bảo ổn định đời sống cho xã viên…”.
MAI NHI