Liên minh HTX các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vừa có cuộc hội thảo tìm giải pháp phát triển các HTX kinh doanh vận tải. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, các HTX cần đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, mở rộng sự liên kết...
Quản lý lỏng lẻo...
Quảng Nam có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch nối các vùng trong và ngoài tỉnh; là điều kiện thuận lợi để phát triển, mở rộng các hình thức kinh doanh vận tải. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 HTX vận tải được thành lập, trong đó có 12 HTX đang hoạt động, 2 HTX đã ngừng hoạt động và 2 HTX từ khi thành lập đến nay chưa hoạt động. Các HTX đang hoạt động chủ yếu là dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa với 665 phương tiện, tổng giá trị tài sản trên 200 tỷ đồng. Các HTX này đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân của mỗi xã viên gần 3 triệu đồng/tháng.
Các HTX vận tải đường thủy nội địa gặp khó khăn trong việc đầu tư phương tiện, mở rộng loại hình dịch vụ.Ảnh: N.D |
Ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, các HTX vận tải vẫn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn HTX vận tải hoạt động chủ yếu theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, một số ít HTX là chủ sở hữu của phương tiện như HTX Vận tải Tam Kỳ, HTX Vận tải du lịch thủy bộ Hội An…, còn lại đa số là xã viên làm chủ sở hữu của phương tiện. Mỗi xã viên là chủ sở hữu của phương tiện sẽ phải tự quản lý và khai thác kinh doanh phương tiện của mình, tự nộp thuế. HTX chỉ cung cấp cho xã viên một số dịch vụ nhất định như đăng ký tuyến cố định, phân công hoạt động theo tuyến cho các phương tiện, ký kết một số hợp đồng vận tải nên gặp khó khăn trong việc đầu tư, mở rộng các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều HTX vận tải đang hoạt động trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ông Phạm Văn Tường - Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng cho biết, nhiều HTX chỉ làm dịch vụ nên thiếu tính ràng buộc về quyền lợi kinh tế, sự gắn kết giữa HTX và xã viên còn lỏng lẻo, chưa răn đe được các vi phạm đối với các chủ phương tiện. Xã viên vẫn tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình nên HTX rất khó quản lý. Còn ông Ngô Viết Quýt, Chủ tịch Liên minh HTX Thừa Thiên Huế nói: “Phần lớn các HTX vận tải không quản lý được nghĩa vụ khai báo, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của các xã viên. Đây cũng chính là khâu yếu kém nhất của HTX vận tải cần phải được củng cố. Thêm nữa, lợi thế phương tiện thuộc chủ quyền của xã viên làm ảnh hưởng đến việc tập trung để thực hiện các khối lượng công việc lớn, gây trở ngại trong việc nâng cao chất lượng, uy tín cũng như thương hiệu của HTX…
Mở rộng liên kết
Ông Phạm Quang Vinh - quản lý Dự án DGRV của CHLB Đức tại Việt Nam về nâng cao năng lực cho cán bộ liên minh các HTX, chia sẻ kinh nghiệm: Thành công của Đức đối với HTX vận tải chính là luôn tuân thủ theo các nguyên tắc HTX, phải có người điều hành chuyên nghiệp, hiểu rõ thị trường và nhu cầu của mỗi thành viên, khách hàng. HTX tuyệt đối không cạnh tranh với thành viên mà cung cấp dịch vụ hỗ trợ thành viên, luôn chủ động lựa chọn địa bàn, dịch vụ kinh doanh phù hợp theo nguyên tắc “cái gì luật pháp không cấm mà có lợi cho thành viên thì HTX làm”… |
Theo ông Nguyễn Thanh Tài, thực tế hiện nay ở một số địa phương, HTX nắm các quy định, cơ chế, chính sách và các văn bản luật có liên quan đến lĩnh vực HTX dịch vụ vận tải còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng các HTX hoạt động không đúng luật, cầm chừng, cạnh tranh không lành mạnh… làm cho xã viên không mặn mà với HTX. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, xã viên, các HTX và người lao động tại các HTX. Việc đa dạng, mở rộng các dịch vụ, kinh doanh vận tải cũng cần được chú trọng. Hiện nay, một số HTX vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng do ngành nghề kinh doanh còn đơn điệu. “Bên cạnh đó, để không ngừng tăng cường năng lực cạnh tranh, bảo đảm lợi ích cho xã viên, thành viên và lợi ích tập thể phát triển một cách bền vững, HTX vận tải phải biết huy động đông đảo các nguồn lực tài chính, kỹ thuật để có thể phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đã đến lúc phải quyết liệt giải thể những HTX yếu kém kéo dài hoặc hoạt động nhỏ lẻ, kém hiệu quả; phải hình thành cho được các HTX có quy mô liên huyện, thành phố, liên vùng vững mạnh thì mới có thể phát triển ổn định được…” - ông Tài nói.
Việc mở rộng kinh doanh đối với các HTX vận tải là một giải pháp cấp bách, nhưng để làm được điều đó cũng cần có sự hỗ trợ từ các bên liên quan. Ông Lê Luân - Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên kiến nghị: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, dịch vụ vận tải, các HTX phải đầu tư phương tiện mới, nâng cấp HTX để có thể đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, về lãi suất song song với chính sách ưu đãi thuế, chính sách về trợ giá… Cạnh đó, phải nghiên cứu việc liên kết, sápnhập các HTX nhỏ thành HTX quy mô lớn hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh”.
Nguyễn Dương