Nhiều tuyến đường dân sinh ở các xã Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành (huyện Phú Ninh) bị hư hại, xuống cấp trầm trọng do ảnh hưởng bởi thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Người dân ở các địa phương này còn bất an trước tình trạng xe tải phục vụ thi công công trình gây mất an toàn giao thông, môi trường sống bị ô nhiễm nặng.
Khổ vì xe công trình
Hơn một năm nay, tuyến ĐH1 từ thị trấn Phú Thịnh đến xã Tam Phước, huyện Phú Ninh nhiều đoạn bị xuống cấp, hình thành ổ voi, ổ gà gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người và phương tiện. Theo người dân và chính quyền địa phương, nguyên nhân khiến đường bị xuống cấp nhanh chóng là lưu lượng xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng công trình đường cao tốc qua địa bàn quá nhiều.
Xe tải chở đất dày đặc trên tuyến dân sinh ĐH 9 qua địa bàn xã Tam Lộc. Ảnh: Triêu Nhan |
Trước sự phản ứng của người dân, nhiều đoạn trên tuyến này đã được các nhà thầu vận chuyển vá lấp tạm thời bằng bột đá dăm. Ông Hoàng Ngọc Trí, người dân xã Tam Phước cho biết: “Tuyến đường này kéo dài vài cây số được trải nhựa rất đẹp, người dân ai nấy vui mừng vì giao thông tiện lợi, thông suốt nhưng giờ đường sá lại trở nên nham nhở, lởm chởm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Đề nghị đơn vị thi công và nhà thầu hoàn trả nguyên trạng mặt đường chứ vá lấp kiểu này chẳng mấy chốc sẽ đâu lại vào đấy thôi”. Không chỉ vậy, từ một con đường nhựa sạch đẹp, tuyến đường dân sinh ĐH1 kéo dài từ xã Tam Phước về khu tái định cư xã Tam Thành, tiếp giáp với tuyến ĐH5 có đến cả cây số bị hư hại, nhựa đường bị bong tróc chỉ còn lại con đường đất nắng bụi mưa lầy khiến người dân sống lân cận hết sức khổ sở. “Xe cộ vận chuyển cát sạn, vật liệu chạy quá nhiều, mỗi ngày có cả trăm chiếc qua lại. Người tham gia giao thông và người dân ở khu tái định cư này sống trong bụi bẩn, lầy lội, ô nhiễm môi trường suốt cả năm qua. Có thời điểm quá bức xúc, nhiều người đã đón xe, ngăn chặn không cho lưu thông” - ông Lê Lợi, người dân sống tại khu tái định cư xã Phước Thành nói.
Tuyến dân sinh ĐH9 đi qua thôn 2, thôn 3 xã Tam Lộc hơn một năm nay trở nên “nóng” hơn bao giờ hết bởi sự xuất hiện của đoàn xe tải chở đất từ các mỏ trên địa bàn đến công trình cao tốc. Theo nhiều người dân thôn 2, từ năm 2015 tới nay, tuyến đường dân sinh trải dài 6 - 7 cây số này có tới hàng trăm lượt xe tải qua lại mỗi ngày. Cứ tờ mờ sớm cho tới tối mịt, xe tải nối đuôi nhau chạy, chở đất từ núi Vũ và đồi Cốc đổ cho công trình. Đường vốn đã nhỏ hẹp, uốn khúc, mật độ phương tiện lưu thông dày đặc, các xe còn phóng nhanh vượt ẩu, đe dọa an toàn giao thông và sự an nguy của người đi đường.
“Đường đã nhỏ hẹp mà xe tải cứ chạy vù vù, có bữa chúng lấn người đi đường rớt xuống ruộng, bức xúc người dân lấy bàn ghế, cây gậy chặn lại không cho đi, xong rồi cũng đâu lại vào đấy” - một người dân sống gần tổ hợp tác cơ khí Đồng Tâm, thôn 2 xã Tam Lộc bức xúc. “Bụi mù mịt, không thở được. Học sinh đi học rất lo bởi một chiếc xe tải đã chiếm toàn bộ lòng lề đường rồi, chưa kể hai xe còn tránh nhau nữa. Quần áo trắng của bọn nhỏ bị bụi đất lấm lem. Bụi tràn vào nhà, việc kinh doanh của các hàng quán cũng bị ảnh hưởng nhiều vì khách ngại bẩn, trong khi đơn vị vận tải không hề quan tâm đến việc tưới nước để hạn chế ô nhiễm môi trường. Chỉ tới khi quá bức xúc, dân ra chặn thì lưu lượng xe và mật độ giảm được vài bữa, rồi lại như cũ” - ông Trần Văn Hùng (thôn 2, Tam Lộc) nói. Nhiều lần có mặt trên tuyến này, chúng tôi ghi nhận, thời điểm nào cũng có xe tải chở đất chạy trên đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an toàn giao thông cho người và phương tiện.
Cần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Linh - Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phú Ninh xác nhận, bức xúc của người dân và chính quyền địa phương trên các tuyến dân sinh ĐH1, ĐH9 về thực trạng đường xuống cấp, ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông là có thật bởi tình trạng xe tải công trình phá đường diễn ra lâu nay. Việc người dân địa phương liên tục chặn xe là có. Huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh, Sở GTVT yêu cầu đơn vị vận chuyển, nhà thầu thi công đường cao tốc có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng các tuyến đường dân sinh đi qua địa bàn huyện. Các đơn vị này đã từng làm biên bản cam kết, hứa sẽ triển khai hoàn trả hiện trạng đường trong quý I/2017 nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị lên tỉnh và các đơn vị chức năng.
Có thể nói, trong quá trình thi công dự án đường cao tốc, phía đơn vị thi công và nhà thầu tại nhiều nơi đã mượn đường công vụ tiếp cận công trình và cam kết sẽ hoàn trả lại hiện trạng ban đầu sau khi công trình hoàn thành, trường hợp ở các xã nói trên tại Phú Ninh không ngoại lệ. Song, vấn đề đặt ra là đơn vị thi công và nhà thầu cần phải tăng cường việc phun tưới nước trên đường nhằm giảm thiểu bụi làm ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven đường. Thêm nữa, với lưu lượng xe qua lại dày đặc như thế, tài xế cũng cần phải hạn chế tốc độ để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường. Để làm được điều đó, các ngành chức năng cần có sự phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ đơn vị thi công lẫn nhà thầu nhằm tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
HOÀNG LIÊN