Hướng dẫn viên du lịch: Ai kiểm soát chất lượng?

VĨNH LỘC 16/10/2013 07:34

Hướng dẫn viên (HDV) du lịch được ví như “đại sứ” quảng bá những giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất đến với du khách; là mắc xích không thể thiếu trong hoạt động du lịch của bất kỳ địa phương nào. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng đội ngũ này đang là vấn đề đặt ra cho những nhà quản lý du lịch.

Hiện nay, số HDV du lịch đạt yêu cầu, có kiến thức sâu về văn hóa - lịch sử các vùng đất, điểm đến du lịch trên địa bàn Quảng Nam khá ít.Ảnh: V.LỘC
Hiện nay, số HDV du lịch đạt yêu cầu, có kiến thức sâu về văn hóa - lịch sử các vùng đất, điểm đến du lịch trên địa bàn Quảng Nam khá ít.Ảnh: V.LỘC

Dễ dàng cấp thẻ HDV

Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL, trong mục Hướng dẫn du lịch quy định: việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, HDV quốc tế phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài trở lên, cùng với Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL 500 điểm hoặc IELT 5.5 điểm hoặc TOEIC 650 điểm trở lên hoặc chứng chỉ tương đương đối với các ngoại ngữ khác. Riêng HDV nội địa thủ tục thoáng hơn khi chỉ yêu cầu bằng trung cấp trở lên, không phân biệt ngành nghề đào tạo. Cũng theo quy định, muốn trở thành HDV du lịch cần phải hoàn thành một khóa học chứng chỉ nghiệp vụ du lịch từ 2 - 3 tháng (tùy học viên có bằng trung cấp hay đại học) là có thể được cấp thẻ HDV du lịch. Những điều đó lý giải vì sao nhiều HDV hổng về kiến thức văn hóa - lịch sử vùng đất. Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc kinh doanh Trung tâm Lữ hành Hội An cho rằng, với những điều kiện dễ dàng như thế, ai cũng có thể làm HDV du lịch. Hậu quả là nhiều HDV không cần có kiến thức hay kỹ năng làm HDV, chỉ cần hội đủ bằng cấp, chứng chỉ là có thể tham gia dẫn khách.

Trong số 154 HDV du lịch được Sở VH-TT&DL cấp thẻ từ năm 2010 đến nay, có đến 126 HDV quốc tế, chủ yếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Anh, Pháp; các ngôn ngữ khác như Tây Ban Nha, Ý, Đức, Nga, Nhật... rất ít. Theo anh Nguyễn Văn Châu Kỳ, một HDV du lịch tự do tại Hội An, hiện HDV tiếng Nhật có thẻ rất ít, cả miền Trung chỉ có khoảng 20 người. Anh Châu Kỳ cho rằng, đa số HDV (không thẻ) tiếng Tây Ban Nha, Ý, Đức… chủ yếu là những người đã từng lao động, làm việc tại các nước này nên ít ai có bằng đại học theo yêu cầu để đủ điều kiện được cấp thẻ. Tuy nhiên, những người này rất thành thạo ngôn ngữ nước mình từng sinh sống, lao động, hiểu được phong tục tập quán của du khách nên có nhiều thuận lợi trong việc làm HDV du lịch. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện để được cấp thẻ HDV du lịch, những người này đành chấp nhận làm HDV “chui”. Điều này dẫn đến nghịch lý, một số công ty lữ hành chấp nhận mời HDV “chui” đi tour vì đảm bảo chất lượng hơn những HDV có thẻ. “Các công ty lữ hành thà chấp nhận bị phạt nếu việc sử dụng HDV “chui” bị cơ quan quản lý phát hiện, còn hơn hợp tác với HDV có thẻ nhưng chất lượng tours không đảm bảo, có khả năng dẫn đến bể hợp đồng, phải đền số tiền lớn” - anh Châu Kỳ nói.

Thả nổi chất lượng?

Trong kinh doanh lữ hành, HDV du lịch được xem là một công việc tự do và có thu nhập cao (300 nghìn - 1,2 triệu đồng/ngày) nên số lượng HDV đăng ký cấp thẻ ngày càng nhiều. Bình quân mỗi năm, Sở VH-TT&DL đổi và cấp mới hàng chục thẻ HDV; riêng 9 tháng đầu năm 2013 đã cấp mới 22 thẻ HDV (15 thẻ HDV quốc tế, 7 thẻ HDV nội địa). Còn chất lượng HDV được cấp thẻ ra sao, không ai kiểm soát. Theo ông Lê Ngọc Tường - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL), sau khi có thẻ HDV đi hành nghề khắp nơi nên rất khó quản lý. Các HDV phải tự khẳng định “thương hiệu” với thị trường và các công ty lữ hành theo cách riêng của mỗi người để tồn tại. Đến nay Sở VH-TT&DL vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi nào của du khách về chất lượng HDV.

Theo ông Phạm Việt Hoàng - Phó giám đốc Công ty Du lịch Vitours (Đà Nẵng), để đảm bảo an toàn cho tours, các công ty lữ hành thường thuê HDV quen thuộc, còn chất lượng thì dựa trên mức độ hài lòng của du khách sau chuyến đi. Vì vậy, HDV sẽ có nhiều cách hướng dẫn khác nhau tùy đoàn, đôi khi không cần quan tâm đến nội dung thuyết minh (văn hóa, lịch sử vùng đất, con người nơi hoặc địa điểm hướng dẫn khách tham quan), mà chỉ cần có nhiều chiêu trò hoạt náo miễn sao khách vui, hài lòng là được. Theo ông Hoàng, để nâng cao chất lượng HDV, Sở VH-TT&DL cần thường xuyên giám sát, kiểm tra phân loại trình độ HDV không chỉ qua các cuộc thi hàng năm mà còn trong những sát hạch định kỳ nhằm tạo động lực cho HDV trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ, kiến thức.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng các HDV phải tự giác nâng cao trình độ, kiến thức của mình nếu không muốn bị đào thải. “Ngoài việc mở các lớp tập huấn định kỳ, thời gian đến chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thành lập các câu lạc bộ HDV du lịch hoặc Chi hội HDV du lịch thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam... để dễ quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho HDV giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau” - ông Cường cho biết. Không thể phủ nhận sự thành công của du lịch Quảng Nam thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các HDV. Tuy nhiên, bên cạnh những HDV thực sự chuyên nghiệp cũng xuất hiện không ít “hạt sạn” với kiến thức hạn chế đã làm sai lệch giá trị văn hóa - lịch sử của điểm đến trong mắt du khách. Việc chấn chỉnh chất lượng HDV không chỉ là nhắc nhở, xử phạt mà cần có những giải pháp phối hợp đồng bộ từ nhiều cấp ngành nhằm đưa hoạt động này vào đúng nền nếp, để các HDV du lịch thực sự là những “đại sứ” quảng bá hình ảnh một vùng đất chứ không chỉ đơn thuần là “người dẫn đường” du lịch.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng dẫn viên du lịch: Ai kiểm soát chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO