Hướng đến chuyên nghiệp

XUÂN HIỀN 14/12/2018 02:13

Các chủ thể tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP, đặc biệt là các chủ thể ở miền núi, đang hướng dần đến tính chuyên nghiệp thông qua việc tạo sự đa dạng về dòng sản phẩm, chất lượng, nhãn mác, bao bì...

Sản phẩm tinh dầu quế của Cơ sở sản xuất, kinh doanh Minh Phúc (huyện Bắc Trà My) tham gia tại một hội chợ. Ảnh: X.H
Sản phẩm tinh dầu quế của Cơ sở sản xuất, kinh doanh Minh Phúc (huyện Bắc Trà My) tham gia tại một hội chợ. Ảnh: X.H

Từ bán thô sang chế biến sâu

Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức) cho biết, hiện tại số lượng vệ tinh cho HTX lên đến gần 30 cơ sở, chưa tính 10 cơ sở trên địa bàn huyện được HTX cung cấp nguồn phôi và thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Sở dĩ HTX phải bắt đầu phương thức tìm kiếm vệ tinh - ngoài chuyện mở rộng kinh doanh nguồn nấm tươi nguyên liệu như trước đây - vì đơn vị này đang bắt đầu tính toán đến chuyện chế biến sâu các dòng sản phẩm khác từ nguồn nấm tươi nguyên liệu. "Trước đây khi chưa xây dựng vệ tinh, HTX chỉ làm được 70 - 100kg nấm mỗi ngày. Khi phát triển mạng lưới vệ tinh chúng tôi đã nghĩ đến chuyện phải đa dạng hóa các dòng sản phẩm nấm của HTX mình, vì vậy cần phải có nguồn nấm tươi thu về ổn định" - chị Nguyễn Thị Minh Thủy nói.

Nằm trong danh mục chủ thể OCOP với việc lựa chọn dòng nấm bào ngư để phát triển thành sản phẩm thế mạnh và chuyên biệt, hiện tại các khâu về bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng của HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây đã xem như hoàn tất. HTX đã dành nguồn kinh phí hơn 100 triệu đồng để làm lại tất cả khâu thiết kế bao bì, logo nhãn hiệu. HTX cũng đã hoàn tất thủ tục về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là những phần việc hầu như trước đây HTX không quan tâm. Và những người nông dân làm nấm này bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất lẫn kinh doanh khi họ được lựa chọn sẽ phát triển dòng sản phẩm của mình thành đặc sản, thành sản phẩm của OCOP. "Thời gian trước, chủ yếu HTX bán thô sản phẩm nấm tươi cho các thương lái tại những chợ đầu mối nên không nghĩ đến chuyện bao bì nhãn mác. Sản phẩm làm ra bán hết trong ngày nên không thành viên nào nghĩ tới chuyện phải hình thành thương hiệu nấm Nhì Tây như bây giờ" - chị Nguyễn Thị Minh Thủy chia sẻ.

"Tham gia OCOP, mình hiểu được như thế nào là giá trị của một thương hiệu. Một sản phẩm OCOP, như nấm bào ngư của HTX Nhì Tây chẳng hạn, sẽ được bảo hộ thương hiệu trên thị trường, không bị thương lái ép giá, an tâm về sản xuất" - chị Nguyễn Thị Minh Thủy nói thêm. Sắp tới đây, khi dòng sản phẩm nấm bào ngư tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, các dòng sản phẩm như nấm linh chi, nấm mèo sẽ đi theo con đường phát triển chuyên biệt như hành trình của nấm bào ngư hiện tại. Chị Thủy cho hay, HTX sẽ tiếp tục phát triển nhiều dòng sản phẩm từ nguyên liệu nấm tươi, trên tinh thần sản phẩm của OCOP như đã được hướng dẫn.

Gỡ khó cho hộ cá thể

Không phải bất cứ sản phẩm hay chủ thể nào tham gia OCOP cũng gặp thuận lợi để phát triển. Ở đơn vị hộ sản xuất - kinh doanh cá thể, họ phải chật vật để tiếp cận các thủ tục, hồ sơ cũng như xác định chỗ đứng cho dòng sản phẩm mình. Chị Nguyễn Thị Việt - chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh Minh Phúc (huyện Bắc Trà My) cho biết, sản phẩm tinh dầu quế của cơ sở hiện nay dù đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm cũng như có mặt khá lâu trên thị trường, nhưng để xác định ở nhóm nào trong danh mục OCOP thì chị cũng khá phân vân. Chưa kể, ngoài Minh Phúc, còn chủ thể khác cũng có sản phẩm tinh dầu quế được lựa chọn làm sản phẩm OCOP, đó là tinh dầu quế của HTX Nông nghiệp dược liệu xanh Tiên Phước. Nếu HTX Nông nghiệp dược liệu xanh Tiên Phước có thế mạnh hơn vì là sản phẩm của nhóm tập thể, thì bù lại, tinh dầu quế của Minh Phúc ở ngay vùng nguyên liệu quế của Quảng Nam; nhưng để xác định tính đặc thù của sản phẩm trong cùng một dòng rất khó.

Hiện nay tại các địa phương, cán bộ OCOP đang nỗ lực để hoàn tất các khâu theo đúng thủ tục, quy trình, đặc biệt hướng dẫn và trợ giúp cho các hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Việt chia sẻ, hiện tại cơ sở đã hoàn tất mọi khâu từ bao bì, nhãn mác đến tiếp cận các kênh thương mại, song trong cuộc chơi OCOP này, gần như những thủ tục cũng như các vấn đề về đầu tư trợ lực thì hộ cá thể sẽ "lép vế" hơn. "Nên chăng nếu cùng một dòng sản phẩm, như tinh dầu quế chẳng hạn, nếu tham gia đánh giá xếp hạng thì phải dựa trên chất lượng sản phẩm, vùng nguyên liệu đầu vào cũng như phản hồi từ khách hàng... Hoặc giữa cùng một đối tượng với nhau, nếu hộ cá thể thì phải so sánh với hộ sản xuất kinh doanh khác; doanh nghiệp hoặc HTX thì cùng một tiêu chí giữa các nhóm sản xuất" - chị Nguyễn Thị Việt nói.

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO