Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được UBND tỉnh ban hành mới đây là cơ sở để Quảng Nam khắc phục suy giảm nguồn lợi thủy sản có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua.
Thiếu hợp tác
Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, trong năm 2014, qua gần 30 đợt tuần tra trên biển, ngành thủy sản đã bắt quả tang 27 vụ tàu giã cào khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển ven bờ; phát hiện và bắt giữ 10 ngư dân dùng xung điện để khai thác thủy sản. Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, tổng số tiền xử phạt vi phạm khai thác thủy sản trong năm qua là gần 700 triệu đồng, tuy nhiên các hình thức xử phạt vừa qua chưa đủ sức răn đe. “Nguyên nhân chính của việc gia tăng tận diệt khai thác thủy sản là ngư dân không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi. Cùng với đó là công tác quản lý các nghề đánh bắt thủy sản trên sông và trên biển chưa thật sự chặt chẽ, nhiều địa phương ven biển xem đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên của họ” - ông Định nói. Theo ông Định, thời gian qua, nhiều địa phương ven biển chưa chú trọng tuyên truyền, vận động ngư dân, mặt khác chưa phối hợp chặt chẽ với ngành thủy sản trong việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng ngư dân tận diệt nguồn lợi.
Ngư dân rất cần tiếp cận vốn vay để đóng tàu lớn, sản xuất xa bờ. Ảnh: NGUYỄN QUANG VIỆT |
Trong số 10 vụ khai thác thủy sản bằng xung điện thì có đến 9 trường hợp của ngư dân thuộc huyện Núi Thành. Trong số 27 vụ tàn phá nguồn lợi bằng tàu giã cào, ngoài các ngư dân đến từ Quảng Ngãi thì số vụ vi phạm đa số cũng thuộc về ngư dân của huyện Núi Thành. Ông Ngô Văn Định nhận định, thời gian đến, nguồn lợi thủy sản có thể bị tiếp tục suy giảm do hoạt động trái phép của các tàu giã cào cũng như tình trạng sử dụng xung điện, đặc biệt ở khu vực huyện Núi Thành. Để có thể kiểm soát tình hình này đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực, đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương có liên quan và phải được duy trì thường xuyên. Bên cạnh việc cần thiết phải tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát của cơ quan chuyên ngành thì vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Bởi, hơn ai hết, địa phương nắm rõ việc vi phạm đánh bắt thủy sản diễn ra trên địa bàn phụ trách.
Quy chế bảo vệ nguồn lợi
Quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản Theo Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tàu cá sản xuất trên biển phải được thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa và các bề mặt khác tiếp xúc với thủy sản trước và sau mỗi chuyến đi biển. Trên mỗi tàu cá phải có người chịu trách nhiệm chính về an toàn vệ sinh và chất lượng thủy sản. Mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thủy sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển. Quy định này có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, hướng đến cạnh tranh lành mạnh trong xuất khẩu thủy sản. |
Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được UBND tỉnh ban hành có các quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, quy định về các nghề cấm trong khai thác thủy sản, quy định về cấm phát triển thêm tàu cá làm ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản, quy định về quản lý san hô, rong mơ... Mục đích của quy chế là hướng đến bảo vệ nguồn lợi, ổn định khai thác thủy sản. Theo đó, ngành thủy sản Quảng Nam sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có các nội dung là phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch phát triển cơ cấu ngành nghề và tổ chức hoạt động khai thác theo nguyên tắc không làm cạn kiệt nguồn lợi; điều tra, khảo sát nguồn lợi, xây dựng dữ liệu tàu thuyền và nghề nghiệp, tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, có kế hoạch sử dụng các vùng nước, đất ngập nước làm cơ sở phát triển nghề cá bền vững; hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương thực hiện công tác quản lý tàu cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết: “Trong năm 2015, ngành thủy sản sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và bảo vệ nguồn lợi thủy sản qua các lớp tập huấn, ký cam kết không sử dụng tàu cá làm nghề giã cào tại các vùng biển ven bờ. Cùng với đó là không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời ngành sẽ phối hợp với lực lượng biên phòng, các địa phương ven biển tổ chức nhiều đợt tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm khai thác thủy sản. Để thực hiện tốt công tác này rất cần đến tính chủ động và sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương”.
Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, đến nay huyện đã xây dựng kế hoạch để tổ chức khai thác thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Huyện giảm dần tàu thuyền khai thác ở các vùng biển ven bờ bằng cách giúp ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để ngư dân đóng tàu lớn, sản xuất tại các vùng biển xa. Đồng thời chuyển các nghề te, xiệp, đăng, đáy biển, mành, trủ sang các nghề lưới vây, lưới rê hỗn hợp. “Trong năm 2015, địa phương sẽ chú trọng tuyên truyền ngư dân hiểu rõ hơn lợi ích của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là phục vụ lâu dài cho sinh kế của chính họ. Huyện cấm ngư dân khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại. Núi Thành sẽ sử dụng một cách hợp lý các hệ sinh thái biển ven bờ, ví dụ như rong câu bằng cách quy định chỉ được khai thác trong thời gian từ ngày 15.5 đến ngày 31.11 hằng năm” - ông Nguyễn Minh Khả nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT