Ngư dân Quảng Nam có được vụ cá bắc thành công khi sản lượng khai thác vượt hơn 10% so với cùng kỳ. Điều đáng ghi nhận là ngư trường tuyến lộng khởi sắc hơn mọi năm.
Bội thu cá, mực
Những ngày qua, cảng cá Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình) sôi động hẳn mặc dù vụ cá bắc sắp sửa đi qua. Cảnh mua bán hải sản diễn ra rất nhộn nhịp. Ông Trương Công Hà (thôn Hà Bình, xã Bình Minh), một trong những chủ tàu cá theo nghề lưới vây trũ, cho biết: “Chỉ tính riêng trong tháng 3 này, chuyến biển được mùa nhất của tàu cá chúng tôi thu được đến 10 tấn cá cơm, bán được 100 triệu đồng, mỗi lao động được chia gần 7 triệu đồng”. Theo ông Hà, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu của tàu cá của mình đạt hơn 2 tỷ đồng. Tàu cá này được ông Hà và 3 ngư dân cùng thôn góp vốn mua lại và đưa vào sản xuất từ hơn 3 năm nay. Mỗi chuyến biển của nghề lưới vây trũ kéo dài trong khoảng 7 - 10 ngày với khoảng 10 lao động. Còn ông Nguyễn Hồng Nhu (thôn Hà Bình, xã Bình Minh), chủ tàu cá QNa-94690 có công suất 450CV cũng theo nghề lưới vây trũ thì cho biết: “Trong 6 tháng sản xuất trên biển bằng nghề lưới vây trũ của vụ cá bắc, cứ trung bình mỗi tháng chúng tôi ra khơi 2 lần. Mỗi chuyến biển thu được sản lượng khác nhau, tính chung lại được mùa thì thu được khoảng 8 - 10 tấn cá cơm, ít nhất là 2 tấn. Đến thời điểm này của vụ cá bắc, mỗi “bạn” được chia hơn 40 triệu đồng, còn chủ tàu thì có thu nhập khoảng 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất”.
Vụ cá bắc đem lại sản lượng cao cho ngư dân Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT |
Ông Võ Tấn Thành, cán bộ Phòng Quản lý nguồn lợi (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, sản lượng khai thác hải sản của Quảng Nam trong vụ cá bắc (tháng 10.2014 - 3.2015) đạt 22 nghìn tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Thành công của vụ cá này có đóng góp lớn của 2 nghề lưới vây trũ và chụp mực khi sản lượng của riêng mỗi nghề đã đóng góp đến 20% sản lượng khai thác chung. Được mùa lại được giá, trong khi giá dầu giảm nên ngư dân có thu nhập khá. Xã Bình Minh (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành) là 2 địa phương dẫn đầu sản lượng khai thác hải sản trong 6 tháng sản xuất của vụ cá bắc. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Khanh (thôn Tân An, xã Bình Minh), chủ tàu cá QNa-94439 có công suất 420CV theo nghề chụp mực, cho biết: “Giá mực từ đầu vụ cá bắc đến thời điểm này cao hơn hẳn so với mọi năm, trong khi đầu ra của cá cơm cũng khá cao. Giá bán ổn định của 2 đối tượng chính thu được của nghề chụp mực giúp chúng tôi có thu nhập vượt trội so với mọi năm”. Các ngư dân theo nghề chụp mực ở xã Tam Tiến cũng cho biết, chưa khi nào mực lại xuất hiện nhiều ở tuyến lộng như trong vụ cá bắc này. Thấy hiệu quả sản xuất cao đem lại, nhiều người đi “bạn” đang tính hợp vốn lại với nhau để đóng tàu mới, sản xuất trên biển bằng nghề chụp mực.
Vươn ra tuyến lộng
Chỉ riêng tại xã Bình Minh, sản lượng khai thác hải sản trong vụ cá bắc đạt gần 5 nghìn tấn, xấp xỉ ¼ sản lượng khai thác hải sản chung của toàn tỉnh. Theo ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, nếu như mọi năm ở vụ cá bắc, ngư dân chỉ sản xuất quanh bờ bằng những ghe, thuyền công suất nhỏ thì ở vụ này, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngư trường, vươn ra sản xuất ở tuyến lộng. Nguyên nhân chủ yếu không phải vì thời tiết thuận lợi mà là ngư dân đã nhận ra nguồn lợi ven bờ đã suy giảm. Để tránh kiệt quệ nguồn lợi thì phải vươn khơi, vừa có thể thu được các mẻ cá đầy lại vừa tạo điều kiện để cá mực sinh sôi làm phong phú nguồn lợi. “Khi ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi thì ngư dân sẽ tìm cách tốt nhất để đạt được mục đích. Gần đây nhiều người đã góp vốn, vay vốn để đóng tàu công suất lớn, vươn khơi sản xuất thu được hiệu quả cao. Các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển cũng có cơ sở để mà lớn mạnh từ sự chung nhau góp vốn đó. Vì vậy, trước hết là ngư dân đã vượt qua được tâm lý lo lắng khi sản xuất xa trong mùa biển động, sau nữa là phương tiện lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại sẽ quyết định sản lượng khai thác” - ông Bảy nói.
Hướng đến tính bền vững trong khai thác hải sản, Quảng Nam khuyến khích ngư dân chuyển từ vùng biển ven bờ sang sản xuất ở các tuyến lộng và ngư trường xa bờ. Sự khởi sắc của vụ cá bắc đến thời điểm này có thể tiếp tục động viên ngư dân theo đuổi hướng đi này. Tuy nhiên, điều băn khoăn nằm ở chỗ đến thời điểm này có không nhiều ngư dân đủ khả năng tài chính để có thể đóng mới, cải hoán nâng cấp hoặc mua lại tàu cũ có công suất lớn để chuyển đổi ngư trường. Thực tế nghề cá Quảng Nam đã cho thấy, chỉ một bộ phận nhỏ ngư dân có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay trên địa bàn tỉnh để thực hiện chủ trương đúng đắn đó. Nhiều ý kiến cho rằng, Quảng Nam nên chuyển đổi cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư sang cơ chế hỗ trợ vốn trực tiếp. Bởi đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay sau khi ngư dân vay được vốn để hoàn thành tàu có công suất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là ngư dân cần huy động được vốn để đóng tàu lớn chứ không cần được hỗ trợ lãi suất khi đã sở hữu được tàu rồi.
NGUYỄN QUANG VIỆT